Khi những chiếc xe chạy bằng động cơ điện, sử dụng AI và điều khiển bằng giọng nói, bề dầy trăm năm của các hãng xe truyền thống sẽ không còn là ưu thế. Chiến thắng thuộc về những kẻ biết dấn thân và nắm trong tay công nghệ.
Các hãng xe truyền thống “từ bỏ” di sản trăm năm
Một nhà máy sản xuất xe điện của Audi
Phía nam Brussels (Bỉ), nơi ngoại ô thành phố, tương lai mới của Volkswagen đang hình thành trong một nhà máy sản xuất ô tô đặc biệt. Nơi đây không có ống xả, bình xăng, hộp số… mà là những bộ pin được xếp chồng lên nhau. Mỗi mô-đun chứa đựng hàng chục tế bào pin Lithium-ion, được đóng gói và gắn dưới sàn của những chiếc xe thể thao đa dụng đang được sản xuất.
Trong suốt 82 năm kể từ khi thành lập, nhà sản xuất ô tô thành công nhất nước Đức hầu như chỉ dựa vào động cơ đốt trong, giờ đã sản xuất xe điện. Nếu thành công Volkswagen sẽ vượt qua các đối thủ non trẻ như Tesla. Nhưng nếu thất bại, đây có thể sẽ là một sự “kết thúc”. Volkswagen có khoảng 665.000 nhân viên với doanh thu hàng năm 265 tỷ USD.
Volkswagen là một trong những ví dụ điển hình nhất khi các hãng xe có truyền thống trăm năm đang buộc phải chuyển sang một hướng đi mới.
Động cơ đốt trong, hệ thống truyền động là tinh hoa kỹ thuật và là niềm tự hào của người Đức, sẽ không còn là ưu thế trong thời đại của những chiếc xe di chuyển bằng động cơ điện, điều khiển bằng giọng nói.
Mức độ chi tiêu cho xe điện của người tiêu dùng ngày càng tăng cho thấy tương lai sáng của xe điện (Nguồn: IEA)
Xe điện sẽ là tương lai của ngành sản xuất ô tô. Sự thâm nhập của xe điện nhanh hơn dự kiến khiến các hãng xe cũng phải chuyển hướng nhanh hơn, mạnh tay đầu tư hơn để chuyển trọng tâm sang xe điện, công nghệ số; đồng thời cải tiến mô hình kinh doanh để thích nghi. Sự chuyển dịch này khiến họ phải đầu tư nhiều tiền hơn và thay đổi các chuỗi giá trị đang có. Nó cũng báo trước những thách thức đối với ngành công nghiệp xe hơi truyền thống, trong đó dư thừa lao động đang là “vấn đề” đau đầu của nhiều hãng xe.
Trong khi các hãng xe mới như Tesla, BYD, NIO hay VinFast… lại không bị “gánh nặng”. Ở đây được hiểu là các nhà máy sản xuất xe động cơ đốt trong, mạng lưới đại lý hay các mô hình hoạt động cũ.
Công nghệ số định hình lại ngành công nghiệp ô tô
Sự thờ ơ với xe điện của các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã mở đường cho Tesla, dưới thời Elon Musk.
Năm 2018, Tesla bán được hơn 220.000 ô tô điện. Đến 2020, hãng xe này bán ra gần 500.000 xe trên toàn thế giới, một con số kỷ lục trong bối cảnh xe động cơ đốt trong sụt giảm. Giá cổ phiếu Tesla tăng phi mã, tỷ lệ vốn hóa của hãng xe trẻ bằng cả 9 hãng xe truyền thống cộng lại. Nhưng vị trí của Tesla cũng đang bị đe dọa khi các Big Tech Mỹ, Trung và hàng trăm startup nhảy vào tranh miếng bánh ngon. Vậy, tại sao thị trường xe điện lại hấp dẫn các hãng công nghệ như vậy?
Lượng xe điện đăng ký trên toàn cầu phân theo quốc gia và khu vực (Nguồn: IEA)
Theo hãng nghiên cứu Canalys, năm 2020, doanh số xe điện toàn cầu tăng 39%, đạt 3,1 triệu chiếc. Năm 2021 thị trường xe điện được dự báo bùng nổ với doanh số dự kiến tăng trưởng 66% và vượt mốc 5 triệu xe. Nhưng con số này mới chỉ chiếm 7% số xe mới bán ra trên toàn cầu. Như vậy, dư địa của thị trường còn rất lớn để các hãng tìm kiếm sự tăng trưởng, trong khi điện thoại và các thiết bị cầm tay thông minh đã bão hòa và không còn đột phá.
Với xe điện thông minh, động cơ và khung gầm truyền thống sẽ không còn là yếu tố giá trị hàng đầu. "Trong cuộc cạnh tranh ô tô tương lai, phần mềm trong xe sẽ chiếm 90% sự đổi mới ô tô trong tương lai", Giám đốc điều hành Volkswagen cho biết. Khi hàm lượng công nghệ trên ô tô càng lớn, lợi thế càng thuộc về các Big Tech.
Ngưỡng chế tạo ô tô ngày càng thấp, ô tô điện có cấu trúc cơ khí đơn giản hơn, sản xuất tự động hóa và cần ít nhân lực hơn so với động cơ đốt trong. Vì thế các nhà sản xuất mới, vốn không có ưu thế về kỹ thuật, cơ khí đều có thể sản xuất.
Đó là chưa kể, các nhà sản xuất hiện nay không chỉ kiếm tiền từ việc bán xe. Khi ô tô có thể tự lái, người dùng có trợ lý ảo và điều khiển xe bằng giọng nói thì các hãng xe có thể kiếm tiền từ hệ thống tìm đường, đặt hàng giống như cách Apple, Google đang kiếm tiền từ kho ứng dụng.
Vì thế, dù thiếu kinh nghiệm hàng chục hàng trăm năm trong lĩnh vực xe hơi, các nhà sản xuất trẻ vẫn tin rằng bản đồ ngành công nghiệp ô tô có thể được định hình lại trong tương lai gần bởi các thương hiệu mới, và họ sẽ thành công.
Công nghệ số “chắp cánh” cho các thương hiệu mới
VinFast sẽ có nhiều thách thức với tham vọng đưa xe điện Việt ra toàn cầu
Trong khi các hãng xe truyền thống đang “ì ạch” chuyển mình ra khỏi chuỗi giá trị cũ, các hãng xe mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Hàng trăm startup xe điện được thành lập với tham vọng chen chân vào thị trường mới màu mỡ.
Các hãng xe điện mới đến từ Trung Quốc như Evergrande NEV, NIO, BYD, Xpeng Motors…đã tận dụng lợi thế công nghệ, chính sách cởi mở, huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư với tham vọng đánh bại những nhà sản xuất xe hơi lâu đời. Nhiều hãng xe non trẻ đã tấn công thị trường Mỹ, châu Âu – đại bản doanh công nghiệp ô tô thế giới.
Việt Nam cũng đã ghi tên mình vào cuộc đua xe điện với thương hiệu VinFast. Hãng bán xe điện thông minh tại Việt Nam trong năm nay nhưng nhắm đến cả thị trường Mỹ, châu Âu vào năm 2022 cùng kế hoạch IPO táo bạo tại Mỹ và dồn toàn lực cho “cuộc chiến” này.
Ông chủ của VinFast nói với các cổ đông của mình rằng, xe điện của VinFast không kém gì Tesla, mục tiêu nhắm đến khách chuyển từ xe xăng sang và coi đây là cơ hội lớn. “Cả thị trường đều lo lắng vì xe điện là vấn đề không dễ dàng. Nhưng xe điện là cơ hội để Vingroup và Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”, ông Vượng nói. Tất nhiên, chặng đường mà VinFast đi sẽ còn rất dài, và không dễ dàng vì còn quá nhiều thách thức, nhưng đây sẽ là một phép thử.
Như bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nói “Việc VinGroup đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô thực sự là một thách thức lớn, rất lớn, xuất phát từ một khát vọng lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước của một doanh nhân, một doanh nghiệp. Nhưng chỉ có những thách thức lớn mới tạo nên những doanh nhân và doanh nghiệp lớn. Thị trường Việt Nam là cái nôi cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhưng để lớn lên và cạnh tranh được thì phải đi ra toàn cầu. Cạnh tranh toàn cầu là phép thử tốt nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp”.
Duy Vũ