Ninh Bình xác định công nghiệp và du lịch là các ngành quan trọng, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chính trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sự gia tăng giá trị của ngành sản xuất công nghiệp có những đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp hỗ trợ. Sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây liên tục duy trì đà tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm toàn tỉnh đạt gần 61.880,5 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt 8,3% so với kế hoạch năm.

{keywords}
Sự gia tăng giá trị của ngành sản xuất công nghiệp có những đóng góp không nhỏ của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh đã có những đánh giá rất xác đáng về vai trò ngày càng tăng của ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đang là một động lực và trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, tỉnh vẫn tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử.

Theo khảo sát của Sở Công Thương, toàn tỉnh có khoảng 210 doanh nghiệp  trên địa bàn 8 huyện, thành phố thuộc các lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm khác. Trong đó có 30 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và 180 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh

Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ công nghệ, về quy mô.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Sở Công Thương cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát có tới 164 doanh nghiệp chưa biết về chính sách công nghiệp hỗ trợ, chiếm 78,1% trong tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Như vậy mới chỉ có 21,9% doanh nghiệp được khảo sát biết về chính sách của Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, do đó các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được những hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh đối với doanh nghiệp.

Mặc dù đã có Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, nhưng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận với chuỗi sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của tỉnh để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo đúng định hướng như đã nhận diện.

Tỉnh Ninh Bình xác định, trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián khẩu, các nhà máy trong nước và khu vực .

Để đạt mục tiêu trên, các cấp, các ngành trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đối với công nghiệp hỗ trợ của Trung ương và địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp, chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.

Một giải pháp không thể thiếu đó là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực sản xuất.

Qua đó cũng khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lê Thanh Hùng