- Chân sút Mito Hollyhock khó tìm được chỗ đứng trong đội hình, một khi HLV Hữu Thắng cứng tay với học trò.
1. Công Phượng lặn lội từ Nhật về tập trung đội tuyển, giống như Tuấn Anh được “đặc cách” về sớm hay Xuân Trường bay về từ Hàn Quốc. Xét bề ngoài, đương nhiên chuyến trở về của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều rất giá trị cho đội bóng của HLV Hữu Thắng. Bởi bộ ba “lò” HAGL này đều đang đầu quân cho những đội bóng có nền tảng, trình độ vượt trội so với V-League.
Dẫu sao, khoảng cách giữa danh và thực đôi khi cần sòng phẳng và giữ mình trên mặt đất. Việc Phượng và Trường về tập trung muộn, lý do là CLB chỉ nhả quân cho “FIFA day”. Có nghĩa là Phượng và Trường đều bận tối mắt, tối mũi và xem ra rất then chốt với 2 đội bóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Song kỳ thực, Phượng ngồi mòn đít trên băng ghế bị của Hollyhock, còn Trường vừa về tập trung đã báo... chấn thương. Cho nên mới thấy, tấm gương phản chiếu từ trường hợp Tuấn Anh được “đặc cách”, đó chính là giá trị và chỗ đứng thực sự của 3 tuyển thủ đang chơi bóng ở nước ngoài.
Công Phượng trong buổi tập chiều 29/5. |
Có cảm giác rằng, đội tuyển chính là lối thoát cho Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thoát khỏi cảnh bê bết trong màu áo CLB. Đó mới là điểm then chốt, vì có thể tầm vóc của 3 cầu thủ này chưa đủ tạo nên chỗ đứng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng vẫn giá trị mục tiêu gần ở cấp độ Đông Nam Á. Nói cách khác, Hữu Thắng đưa Phượng, Trường, Tuấn Anh về đội tuyển là một cách cứu tàu, thay vì buông xuôi cho 3 cầu thủ trên trôi dạt ở CLB, nhất là khi chính thuyền trưởng tuyển Việt Nam thừa nhận lo ngại vì họ cứ bào mòn trên ghế dự bị.
2. Có câu hỏi từng đặt lên bàn của HLV Hữu Thắng: Tại sao ông gạt Duy Long, chân sút đang chơi thăng hoa trong màu áo CLB Sài Gòn, ra khỏi đợt tập trung lần này? Chưa một lần, ông Thắng trả lời thẳng về điều này. Còn giới chuyên môn thì... tiếc cho Duy Long, bởi tiền đạo này đang vào phom, nhưng đành nhường chỗ cho những cầu thủ đang miệt mài ngồi dự bị như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.
Thật ra sự mâu thuẫn, tranh cãi thì luôn xảy ra, nhất là khi tấm áo đội tuyển vừa rộng lại vừa hẹp. Duy Long phong độ, duyên ghi bàn, nhưng rõ ràng tiền đạo của CLB Sài Gòn không có được sức hút như... Công Phượng. Chỉ riêng việc Phượng là cầu thủ đại diện cho thương hiệu đang tài trợ cho đội tuyển, chừng ấy cũng đủ làm Duy Long lép vế, chỉ biết than thở “có Long sao còn có Phượng”.
Sòng phẳng mà nói, trong cách nhìn và bài binh bố trận của Hữu Thắng lúc này, kể cả khi Công Phượng được gọi về đi nữa, vai chính trên hàng công vẫn là đàn anh Công Vinh. Phượng chỉ là lựa chọn thứ yếu, nếu Hữu Thắng thật sự xếp quân thuần chuyên môn cho trận cầu mang tính cọ xát, giao hữu. Bởi có nhiều điểm chống lại Công Phượng đá chính: phong độ, cảm giác và quan trọng, như chính Phượng thừa nhận còn sợ va chạm mạnh sau chấn thương. Một cầu thủ như vậy, đương nhiên khó xếp đá chính.
Duy Long (số 9) |
3. Công Phượng về nước tập trung tuyển Việt Nam để làm gì? Nước đi của Hữu Thắng giống như màn sửa sai cho bản hợp đồng nặng về học việc hơn là đưa đi để mở mang đầu óc, bồi đắp trình độ. Chính Công Phượng tuyên bố, anh không muốn bỏ cuộc ở J-League 2, nhưng tiền đạo này lại rất nhớ “không khí đặc biệt ở V-League”. Nói chính xác, Phượng nhớ sân khấu, nhớ cảm giác được ra sân thường xuyên để chơi bóng chứ không phải mài mòn đít quần trên băng ghế dự bị trên đất Nhật.
Phượng về là tìm cảm giác và lối thoát cho chuỗi ngày bế tắc trên xứ người. Còn sang trọng, cứ cho Phượng là một cách để tô màu cho đội tuyển, bởi với những hào nhoáng còn vương vất, Công Phượng vẫn là cái tên nhỉnh hơn đồng đội để... bán vé.
Khắc Hoàng