Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vaccine phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang thúc đẩy phục hồi và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các kết quả đất nước đã đạt được 10 tháng của năm 2022.

Trong công cuộc đổi mới, ngành ngoại giao cùng với các cơ quan, lực lượng đối ngoại đã đạt những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật về đối ngoại, góp phần vào xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay.

Thực hiện khát vọng phát triển của các địa phương, ngành ngoại giao đã và đang có những đóng góp thực chất cho những đổi thay từng ngày.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, tạo sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn như Việt Nam như nguy cơ suy thoái, rủi ro lạm phát toàn cầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước tình hình đó, Chính phủ đặt kỳ vọng lớn vào công tác ngoại giao kinh tế trong tăng cường công tác tham mưu, đóng góp vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ảnh minh họa

Mới đây, Ban Bí thư đã ban Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Chỉ thị nêu rõ: Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khóa X, công tác ngoại giao kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cho thấy công tác ngoại giao kinh tế đã bước vào giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng, yêu cầu cao hơn, tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả và thực chất hơn.

Công tác ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện đã có nhiều đóng góp tích cực vào các kết quả phục hồi kinh tế-xã hội trong 10 tháng của năm 2022, theo đúng tinh thần “lấy địa phương, doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ.”

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, phức tạp, khó dự đoán, đòi hỏi các đơn vị và các Trưởng Cơ quan đại diện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, đánh giá sâu về các sáng kiến liên kết kinh tế mới, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và kịp thời tìm ra các cơ hội để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao...; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy quan hệ với các đối tác, tập đoàn lớn của nước ngoài; tìm kiếm các địa bàn, lĩnh vực và cơ chế mới để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phát huy các bài học kinh nghiệm của công tác “ngoại giao vaccine” trong triển khai ngoại giao kinh tế sẽ góp phần tích cực để đất nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Anh Duy, Ngọc Ánh, Nguyễn Duy