Việt Nam tham gia Hội nghị Luật biển lần thứ III từ năm 1977. Khi các nước đang tranh luận về phương pháp phân định, Việt Nam ở trong nhóm các nước G77 đã ủng hộ áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định.

Ngày 12/5/1977, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố về nguyên tắc xác định phạm vi các vùng biển của Việt Nam trên tinh thần phù hợp với các quy định của Công ước. 

Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã chính thức và công khai nêu rõ quan điểm giải quyết các tranh chấp trên biển của Việt Nam là “cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia về Luật Biển, UNCLOS là cơ sở pháp lý mà các quốc gia dựa vào trong quá trình đàm phán dẫn đến ký kết các hiệp định phân định biển. Nhờ đó, công tác phân định biển của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã đàm phán phân định biển thành công với ba nước: Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. 

Thỏa thuận phân định biển đầu tiên mà Việt Nam ký kết là Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về Phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan năm 1997.

Tiếp đó, năm 2000, Việt Nam ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1993 ghi nhận rằng, hai nước sẽ áp dụng luật biển quốc tế để phân định Vịnh Bắc Bộ.

UNCLOS có hiệu lực với Việt Nam và Trung Quốc lần lượt vào năm 1994 và năm 1996, và trở thành “luật biển quốc tế” mà hai nước áp dụng để hoàn thành việc phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.

Theo GS Hồng Thao, trong phân định Vịnh Bắc Bộ, nguyên tắc công bằng được Việt Nam diễn giải và áp dụng theo ba bước như sau: Bước thứ nhất, hai bên vẽ một đường phân định ban đầu theo trung tuyến/cách đều. Đường này sẽ được điều chỉnh bởi tác động của các hoàn cảnh đặc biệt. Trong trường hợp Vịnh Bắc Bộ, đó là đảo Bạch Long Vỹ thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng nằm ở giữa Vịnh và lệch về phía đường trung tuyến phía Trung Quốc.

Bước tiếp theo, Việt Nam nhận thức được đảo này không nên có hiệu lực 100% trong phân định nên đã chủ động đề xuất ban đầu đảo có hiệu lực 50%. Phía Trung Quốc chỉ coi đảo có 0% trong phân định. Sau đó, hai bên đi đến thoả thuận đảo có vành đai 15 hải lý, tức 25% trong phân định.

Và bước thứ ba, Việt Nam đã áp dụng công thức tỷ lệ chiều dài bờ biển và tỷ lệ vùng biển phân định để bảo đảm một kết quả công bằng. 730km/695km và 53.23/46,77% diện tích Vịnh. Việt Nam đã tổng hợp các án lệ và thực tiễn quốc gia để áp dụng sáng tạo nguyên tắc ba bước từ năm 2000 trước khi ICJ trong vụ phân định Đảo Rắn (Ucraina/Rumania) 2009 đưa ra khuyến nghị tương tự.

Năm 2003, Hiệp định Phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia được hoàn thành. Trong Hiệp định với Indonesia năm 2003, Lời nói đầu còn khẳng định trực tiếp rằng Hiệp định được ký kết căn cứ vào UNCLOS.

Bên cạnh việc ký kết ba hiệp định phân định biển, Việt Nam hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và các vấn đề liên quan đến vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.

Trong đàm phán liên quan đến phân định vùng đặc quyền kinh tế, UNCLOS cũng đóng vai trò quan trọng. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục phải làm, song thực thế thời gian qua cho thấy nỗ lực đàm phán vẫn đang được duy trì: Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đã nhóm họp đến Vòng XIV, song song với Vòng XI Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển.

Hoàng Hiệp, Thu Thủy, Anh Dũng