Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước.

Các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận thường xuyên được sử dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo sự thật để hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, âm mưu kích động bạo lực, gây bất ổn chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

thongtindoingoai.png

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, đề ra định hướng bao trùm của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển của đất nước là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao hình ảnh và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác thông tin đối ngoại đã giới thiệu đến bạn bè quốc tế một Việt Nam chính trị ổn định, giàu tiềm năng, luôn nỗ lực vì hợp tác, hòa bình trên thế giới và khu vực, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó giúp thế giới hiểu đúng, hiểu sâu sắc hơn về Việt Nam, tăng cường tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam, nhất là đã tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận quốc tế trước những vấn đề có tính nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền biên giới, biển, đảo, tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi xấu hòng tạo ra sự hoài nghi của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị, làm thất bại âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác thông tin đối ngoại đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là chưa phản ánh đầy đủ, sâu sắc thành tựu nổi bật của đất nước; việc triển khai nhiệm vụ còn phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thông tin đối ngoại; công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn thông tin xấu độc, xuyên tạc có lúc, có nơi chưa thật hiệu quả; đầu tư nguồn lực chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; khắc phục những hạn chế, bất cập đã chỉ ra sau 10 năm thực hiện Chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, ngày 15/6/2023 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới” (Kết luận số 57).

Kết luận số 57 nêu rõ quan điểm, mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh 04 điểm mới như sau:

Là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng

Bộ Chính trị đã khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại; là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Công tác thông tin đối ngoại đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng; được triển khai trên cơ sở tuân theo các nguyên lý cơ bản, nội dung cốt lõi, giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phục vụ cho lý tưởng và mục tiêu của Đảng. Công tác thông tin đối ngoại đóng vai trò phát triển, truyền bá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và đảm bảo vai trò chủ đạo, thống trị đời sống tư tưởng, tinh thần xã hội; khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực tự cường, sức sáng tạo trong xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bên cạnh việc gắn kết chặt chẽ, triển khai đồng bộ giữa công tác thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, Kết luận số 57 xác định thông tin đối ngoại cần phải đi trước một bước, có tính dự báo cao, kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống". Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp báo chí truyền thông quốc tế cũng như ở trong nước, thông tin đối nội và thông tin đối ngoại đã trở nên gắn bó mật thiết với nhau. Cần lấy thông tin tuyên truyền trong nước để thúc đẩy luồng thông tin tích cực về Việt Nam của truyền thông quốc tế.

Thông tin đối ngoại cần góp phần nâng cao khả năng, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc tiếp nhận, nhận diện, tự xử lý và đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn trong cuộc chiến truyền thông đang diễn ra trên thế giới, giữa các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị và lực lượng cách mạng tiến bộ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam 

Bộ Chính trị chỉ rõ mục tiêu quan trọng là việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam gắn với khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Song song với đó là các mục tiêu cụ thể như: Thúc đẩy gia tăng các thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam; việc hình thành mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, nhất là trong các vấn đề liên quan đến lợi ích của chúng ta và việc củng cố, tăng cường niềm tin của các đối tác, nhà đầu tư, khách du lịch và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát hiện kịp thời và đấu tranh phản bác hiệu quả các thông tin sai lệch, chống phá; làm thất bại mọi âm mưu chống phá, bôi nhọ hình ảnh và hạ thấp uy tín của đất nước và của Đảng, làm phương hại đến lợi ích của Việt Nam. Hóa giải các định kiến, nhận thức sai lệch của một bộ phận dư luận quốc tế về một số vấn đề lịch sử liên quan Việt Nam.

“Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”

Chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đất nước, trong nghiên cứu dự báo tình hình, trong việc giành ưu thế trên mặt trận dư luận.

Đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như triển khai phối hợp, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, từ Trung ương đến địa phương, ở trong nước cũng như ngoài nước, giữa các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo đúng thời điểm, tạo được những hiệu quả với tinh thần không né tránh những vấn đề nhạy cảm.

Kịp thời đúng thời điểm để bảo đảm hiệu quả trong chỉ đạo, định hướng cũng như trong triển khai công tác thông tin đối ngoại; tránh không bị trễ trong mọi tình huống, nhất là đối với những tình huống nhạy cảm, phức tạp, mới phát sinh, với tinh thần không né tránh những vấn đề nhạy cảm.

Sáng tạo và hiệu quả từ trong tư duy đến cách làm, nội dung, phương thức và việc vận dụng các nguồn lực khác nhau.

Chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả

Kết luận số 57 cũng khẳng định, vai trò chủ động của các địa phương trong hội nhập quốc tế, tổ chức quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài. Đây cũng là lực lượng rất quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại.

Về phương thức và nội dung, công tác thông tin đối ngoại cần đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hoá để quảng bá, lan toả mạnh mẽ giá trị, bản sắc văn hoá Việt Nam; nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm thông tin - văn hoá của Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa bàn trọng điểm trên thế giới. Khuyến khích xã hội hóa, phát triển các cơ sở văn hóa, du lịch ở các địa bàn chiến lược.

Trên cơ sở các nội dung của Kết luận 57, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Kết luận. Đồng thời tập trung  chỉ đạo cụ thể hoá, xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại.

Tuấn Anh và nhóm PV, BTV