Cụ thể, ông Phan Văn Mãi cho rằng, mục tiêu của thành phố phòng, chống dịch là trên hết, cần chăm lo sức khỏe, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Hoạt động sản xuất hay các hoạt động khác phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Nếu duy trì sản xuất mà hàng triệu công nhân, hàng trăm ngàn công nhân với đặc điểm của công nhân là sinh hoạt trong cộng đồng, đây có thể lây nguồn nhiễm từ bên ngoài mang vào các nhà máy.
“Doanh nghiệp nào thực sự muốn tiếp tục sản xuất, xây dựng mô hình, doanh nghiệp đó phải ngồi cùng cơ quan chức năng để tính toán giải pháp an toàn mới được sản xuất”, ông Mãi nhấn mạnh.
Duy trì công thức “sản xuất an toàn” tới năm 2022
Cũng theo Phó Bí thư Phan Văn Mãi, vừa rồi một số trường hợp đăng ký sản xuất an toàn, nhưng “3 tại chỗ” chưa an toàn, ăn ở không đảm bảo an toàn, sản xuất không đảm bảo khoảng cách nhất định.
Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM |
Dịch bệnh có thể giảm xuống nhưng vẫn còn lưu trong cộng đồng và khi vắc xin chưa phủ đủ tới mức độ miễn dịch cộng đồng thì chắc chắn là cục bộ hoặc ở diện rộng đều có thể xảy ra.
“Do vậy, không phải chỉ trong tuần tới mà có thể từ nay đến cuối năm thậm chí đầu năm 2022 vẫn phải theo công thức an toàn mới có thể được sản xuất”, ông Mãi nói.
Về số doanh nghiệp đăng ký tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất tại Khu chế xuất - khu công nghiệp, tổng số doanh nghiệp đăng ký thực hiện là 216, tổng số doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 205. Số lao động đang lưu trú tại các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 26.570 người.
Trước đó, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng cho biết, việc triển khai quy định yêu cầu doanh nghiệp đủ điều kiện phòng, chống dịch mới được phép hoạt động, do thời gian thông báo gấp nên việc cung cấp trang thiết bị lưu trú như lều bạt, mùng mền, khó đảm bảo cho các doanh nghiệp để bố trí chỗ ở công nhân.
“Các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm 7 - 7,5 tỷ đô, đóng góp lớn cho ngân sách cho thành phố nên khi thực hiện phương án này là chẳng đặng đừng”, đại diện Hepza nói.
Nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài rút đơn hàng
Để thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết, TP.HCM cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất từ 0h ngày 15/7 khi đảm bảo một trong hai trường hợp.
Một là, doanh nghiệp phải đảm bảo phương châm 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Hai là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": Chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).
Nơi nghỉ của công nhân tại một nhà máy áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” |
Theo ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu rất thấp.
Đại diện HBA nhận định, hệ lụy có thể nhìn thấy từ việc “bó chặt” doanh nghiệp cứng nhắc theo quy định đó là người lao động sẽ dần rời bỏ khỏi công việc, doanh nghiệp có đơn hàng đến nhưng không có lực lượng sản xuất.
Nguy cơ rất lớn nữa là việc các doanh nghiệp nước ngoài tự động đẩy các đơn hàng ra các nước khác khi Việt Nam không đảm bảo được sự liền mạch trong chuỗi sản xuất hàng hóa.
“Hiện nay, Khu Công nghê cao chiếm 30% giá trị xuất nhập khẩu của cả TP.HCM. Riêng một công ty hội viên của HBA đã chiếm 64% giá trị xuất nhập khẩu của Khu Công nghệ cao. Nếu doanh nghiệp đó rút đi, chuyển qua nước khác thì thiệt hại khó lường”, ông Long nêu ví dụ.
“Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ để vậy nền kinh tế sao phát triển được ? Doanh nghiệp không chết vì dịch mà để họ chết vì ngừng sản xuất thì sao chấp nhận được ?”, Phó Chủ tịch HBA đặt câu hỏi.
Liên quan tới câu chuyện sản xuất an toàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành phố đã có thời gian thảo luận và không thể chờ đợi thêm được nữa nên mới lấy mốc 0h ngày 15/7 để triển khai quy định phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp.
Đặc điểm của các doanh nghiệp trong khu chế xuất hoặc khu công nghệ cao là công nhân không ở tập trung một chỗ mà ở phân bố rộng trên địa bàn nhiều quận huyện, sẽ rất ảnh hưởng nếu có ca F0 xuất hiện.
“Nhỡ một trường hợp nào đó bị lây từ cộng đồng nơi đang sinh sống rồi lây tới nơi làm việc, những người bị lây lại tiếp tục lan ra cộng đồng. Đó là mối nguy. Các nhà chuyên môn gọi đó là hội chứng bóng bàn trong lây nhiễm”, lãnh đạo TP.HCM nhận định.
Chạy theo văn bản, doanh nghiệp chưa 'chết' vì dịch đã 'tắt thở' do ngừng sản xuất
Không phải doanh nghiệp nào tại TP.HCM cũng có thể đáp ứng các điều kiện để được tiếp tục sản xuất. Doanh nghiệp chấp nhận đóng cửa, cho người lao động nghỉ làm.
Quảng Định