Thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách đối với công chúng. 

Công tác truyền thông chính sách được thực hiện đồng bộ trong toàn bộ hệ sinh thái truyền thông của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cả trên nền tảng web (Chinhphu.vn; Baochinhphu.vn; nhiều trang tin thành phần, bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc) và nền tảng mạng xã hội (Facebook; Zalo; Youtube…). Đáng chú ý, fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook đã thu hút hơn 4,1 triệu lượt người theo dõi.

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ: “Chúng tôi xác định mỗi chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đều là kết tinh giá trị nhằm tạo ra những hành lang, chuẩn mực, quy định cho mọi hoạt động. Do đó, xây dựng chính sách, pháp luật không chỉ là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn là “xây dựng những giá trị nhân bản”. Chính vì vậy, truyền thông chính sách không đơn thuần là truyền thông về chính sách mà phải là truyền thông về giá trị và mỗi nhà báo làm truyền thông chính sách đều phải “đau đáu tư duy trên mảnh ruộng của mình”, để mỗi tác phẩm phải mang tới cho công chúng những thông tin hữu ích, thực sự là “điểm tựa, là niềm tin trong vòng xoáy thông tin” của xã hội đương đại”.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác truyền thông chính sách của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong những năm qua: “Công tác truyền thông chính sách của Chính phủ giờ đây đã được nâng lên một tầm cao mới”; “Các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước đang hoạt động ngày một tốt hơn, đặc biệt là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (cả trên web và trên các nền tảng mạng xã hội) đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và báo chí, truyền thông”.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhận định: Công tác thông tin truyền thông của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, nhất là truyền thông chính sách, có vai trò rất quan trọng. Cùng với việc làm rất tốt nhiệm vụ truyền đạt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ còn tiếp nhận và phân tích, đánh giá dư luận xã hội về những vấn đề thực tiễn đặt ra, kể cả những dư luận, quan điểm chưa đúng, để từ đó tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan chức năng có những giải pháp phù hợp, kịp thời.

anh 6.jpg
Một buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. 

Đặc biệt, ngay khi trong xã hội xuất hiện những quan điểm trái ngược nhau, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã kịp thời tổ chức thông tin, thực hiện các cuộc tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia để phân tích, mổ xẻ vấn đề một cách cởi mở, khách quan, đa chiều, giúp người dân hiểu rõ vấn đề, từ đó định hướng và ổn định dư luận xã hội.

“Đây là một thành công của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nhiều chính sách, đặc biệt là những chính sách mới, những chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau đã không bị các phần tử xấu lợi dụng và xuyên tạc, làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành hệ thống thể chế, hành lang pháp lý cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước”, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng khẳng định, truyền thông chính sách là mảng việc đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ triển khai rất tích cực và đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. 

“Trong thời gian tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nên đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa hơn nữa mảng truyền thông chính sách. Cần coi đây là hoạt động trọng tâm. Nên chăng, cần xây dựng một đề án để nâng cao năng lực truyền thông chính sách của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trình Chính phủ. Khi đề án được Chính phủ phê duyệt, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ có điều kiện để tuyển thêm các chuyên gia giỏi về truyền thông chính sách về làm việc. Đây phải là đội ngũ nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ, không chỉ trong lĩnh vực truyền thông”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng khuyến nghị.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV