Li-Cycle là một công ty nghiên cứu về công nghệ lưu trữ năng lượng tại Canada, mới có tuổi đời chỉ 3 năm nhưng đã có cho mình một tuyên bố hùng hồn: họ có thể tạo ra pin lithium-ion thân thiện với môi trường, khi có thể tái chế được 80-100% vật liệu tạo nên pin. Trả lời trang tin Energy-Storage, Kunal Phalpher tới từ Li-Cycle nhận định: quá trình tái chế pin tại cả Châu Âu và Trung Quốc đều dựa vào hỏa luyện kim - tức là sử dụng nhiệt để phân tách pin, tái chế được khoảng 30-40% vật liệu.
Quá trình tái chế pin gồm hai bước của Li-Cycle rất khác biệt:
Bước đầu tiên bao gồm việc giảm nhỏ kích cỡ pin, xắt nhỏ pin và loại bỏ nhựa và kim loại không cần thiết. “Kết quả cuối cùng sẽ là các vật liệu làm điện cực đã được xé nhỏ ra, đó mới là giá trị thực của viên pin”, Phalpher nói.
Thậm chí pin đang trữ điện cũng có thể được xắt nhỏ, đồng nghĩa với việc cắt bỏ được bước xả hết điện pin trước khi xử lý.
Bước thứ hai trong công đoạn tái chế là quy trình xử lý bằng hóa học và luyện kim bằng nước. “Chúng tôi sẽ lấy kim loại đã được xắt nhỏ và lần lượt lấy ra thành phần của nó, sẽ là lithium carbonate, lithium, coban, đồng, nhôm, graphite, và sắt nếu có”.
Cũng theo lời Phalpher, những nhà máy tái chế pin hiện tại “sử dụng một quá trình hỏa luyện kim không thu về được chút lithium nào”.
Rõ ràng quá trình xử lý pin mới nhằm vào thiết bị điện tử xách tay và phương tiện chạy điện; cũng đúng thôi, khi mà lượng coban trong mỗi thiết bị thuộc hai ngành này đều rất lớn. Bên cạnh đó, các thiết bị lưu trữ năng lượng kích cỡ lớn thì là công nghệ mới phát triển, đa số chúng còn chưa hết khấu hao thì chẳng thể tính tới chuyện tái chế được.
“Nguyên tố được để mắt tới nhiều nhất là coban, kền, lithium, thậm chí một lượng đồng nhất định cũng có giá trị cao. Đó chính nguồn thu chính của chúng tôi khi tới cuối quy trình”, Phalpher nói, một lần nữa nhấn mạnh vào việc nhận về được tới 80-100% lượng vật chất bỏ ra để chế tạo pin.
Hiện tại, công suất nhà máy xắt nhỏ pin tại Canada là 5.000 tấn, tuy nhiên nhà máy thực hiện công đoạn hai vẫn chưa tới tầm, cần tiếp tục phát triển để toàn bộ dây chuyền tái chế hiệu quả nhất.