Hiến pháp đại dương

Hội nghị Luật Biển lần thứ III của LHQ (1967- 1982) đã thông qua UNCLOS 82 với 320 điều khoản và 9 phụ lục. Sau 4 thập kỷ ra đời, UNCLOS 1982 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Đến nay đã có 167 quốc gia tham gia Công ước, trong đó có 164 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027), Công ước Luật biển năm 1982 là Hiến pháp đại dương bao gồm rất nhiều các điều khoản, bao trùm tất cả các lĩnh vực của Luật biển quốc tế.

Công ước xác lập rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển khác nhau thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, quy định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khi tiến hành các hoạt động liên quan đến biển và thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến thực hiện Công ước và giải quyết tranh chấp biển như Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương và Ủy ban Thềm lục địa. 

Tàu thuyền Việt Nam được quyền đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam.

“Công ước đã tạo nền móng để thiết lập một trật tự quốc tế mới trên biển và cân bằng lợi ích của tất cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Đây là Công ước lần đầu tiên xác định tất cả các vùng biển ở trên thế giới,” ông Nguyễn Hồng Thao nói.

Công ước cũng đưa ra những quy định chung về bảo tồn tài nguyên, phát triển tài nguyên một cách bền vững và điều chỉnh tất cả những hoạt động trên biển, bao gồm nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp dưới đáy biển...

Cùng với đó, Công ước cũng là hiến chương, điều lệ cho việc thành lập ra tất cả những tổ chức quốc tế lớn về biển như Tòa án quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa - cơ quan quyền lực về đáy đại dương. Đặc biệt, Công ước cũng  ra cơ chế để giải quyết những tranh chấp về biển.

Có thể khẳng định, công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia, từ đó góp phần gìn giữ môi trường biển, an toàn và hòa bình.

Áp dụng UNCLOS 82 vào điều kiện cụ thể 

UNCLOS là khuôn khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách trên biển, hướng đến bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển.  

UNCLOS cũng yêu cầu các quốc gia ở ven biển kín hoặc biển nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc quản lý tài nguyên sinh vật, có chính sách và hoạt động về môi trường cũng như nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển có quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh thông qua nước quá cảnh để ra biển. Các quốc gia phải ngăn chặn và kiểm soát ô nhiểm môi trường biển và phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình để kiềm chế những sự ô nhiễm đó.… nhằm hướng tới quản lý và bảo tồn biển và đại dương và các nguồn lợi biển một cách bền vững, phù hợp với các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển (SDG14) thuộc Chương trình nghị sự 2030 của LHQ. 

TS. Lê Thị Tuyết Mai (Bộ Ngoại giao) phân tích, mỗi vùng biển đều có chế định pháp lý riêng được quy định tại UNCLOS, bao gồm các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các loại quốc gia khác. Theo đó, các quốc gia ven biển một mặt được hưởng các quyền đối với các vùng biển của mình nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia khác và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của UNCLOS.

Theo đó, các quốc gia đã xác định các vùng biển theo UNCLOS, ban hành luật pháp quốc gia về biển, thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hợp tác quản lý biển như thông qua các cơ chế hợp tác song phương, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu như các uỷ ban khu vực về biển, tổ chức nghề cá khu vực, cơ chế bảo vệ môi trường, và thực thi các dự án bảo tồn biển theo vùng. Các thực tiễn đó tạo nên một bức tranh đa sắc và nhiều tầng nấc phản ảnh nỗ lực và thiện chí của hầu khắp các quốc gia, tổ chức quốc tế trong thực thi UNCLOS.

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó đi đầu là LHQ và hệ thống UN Oceans luôn quan tâm thúc đẩy thực thi UNCLOS ở tất cả các khía cạnh: từ thúc đẩy các nước chưa là thành viên phê chuẩn và gia nhập UNCLOS; hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang và kém phát triển thực thi tốt hơn nghĩa vụ theo Công ước, hỗ trợ các quốc gia tham gia vào các diễn đàn về biển trong khuôn khổ UNCLOS và Đại hội đồng thông qua các Quỹ tín thác.

Hàng năm, Tổng thư ký LHQ đều xây dựng và đệ trình Báo cáo về các vấn đề chung nổi lên trong quá trình thực thi UNCLOS lên Đại hội đồng LHQ, SPLOS và các tổ chức quốc tế có liên quan, làm cơ sở để các nước thảo luận, đánh giá về tình hình thực thi Công ước nói chung. LHQ cũng duy trì cơ chế Hội nghị tư vấn về biển và đại dương thường niên (ICP) để thảo luận các vấn đề mới nổi trong quản trị biển và đại dương, cung cấp các khuyến nghị, nhất là các biện pháp cần triển khai, các vấn đề cần phát triển các quy định mới trong khuôn khổ UNCLOS để quản lý tốt hơn biển và đại dương.

Xuất phát từ thảo luận và khuyến nghị của ICP, sau quá trình thảo luận không chính thức tại LHQ từ năm 2004, ĐHĐ LHQ đã triệu tập Hội nghị liên chính phủ về xây dựng một văn kiện pháp lý trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ), với Phiên thứ nhất vào tháng 10/2018, Phiên thứ hai vào tháng 4/2019. Sau khi được xây dựng, văn kiện pháp lý này sẽ là bổ sung quan trọng cho khung khổ pháp lý về biển được hình thành bởi UNCLOS, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên chung của nhân loại phục vụ lợi ích của các thế hệ hiện nay và tương lai.

Hoàng Hiệp, Minh Hưng, Xuân Long