Covid-19 lan rộng ở châu Âu, Nga tái phong tỏa Moscow |
Theo hãng tin AP, trong bản đánh giá hàng tuần về tình hình đại dịch, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này cho biết, trong tuần qua, trên thế giới có 2,7 triệu ca nhiễm mới, hơn 46.000 trường hợp tử vong. Hiện, Mỹ là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với hơn 580.000 trường hợp, nhưng vẫn giảm 11% so với trước đó.
WHO cho hay, hai khu vực có tỷ lệ nhiễm cao là châu Âu và Mỹ. Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là là nguyên nhân chủ yếu khiến số ca mắc ở châu Âu tăng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng, khoảng 1,3 triệu ca. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng. Tại Anh và Nga, số ca nhiễm mới tăng 15%.
Trong tuần qua, Nga liên tục phá kỷ lục về số ca nhiễm mới, trong khi số ca nhiễm ở Anh đã tăng lên mức chưa từng có kể từ giữa tháng 7.
Trước những diễn biến mới của đại dịch, Thị trưởng Moscow, Nga là Sergei Sobyanin thông báo, các biện pháp phong tỏa sẽ được tái áp dụng tại thủ đô kể từ 28/10. Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ đề xuất của nội các về việc yêu cầu người lao động ở nhà một tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Liều tăng cường của vắc xin Pfizer đạt hiệu quả 95,6%
Theo hãng tin Reuters, dữ liệu được công ty Pfizer và đối tác BioNTech công bố ngày 21/10 cho thấy, một liều vắc xin tăng cường do Pfizer/BioNTech phát triển có hiệu quả chống virus, gồm cả biến thể Delta, tới 95,6%.
Hai công ty cho biết, thử nghiệm đã được tiến hành với 10.000 người từ 16 tuổi trở lên và kết quả cho thấy liều tăng cường có độ an toàn cao. Pfizer cho biết trong thử nghiệm, khoảng cách trung bình giữa mũi 2 và mũi tăng cường là 11 tháng. Trong khi nhóm được tiêm mũi tăng cường chỉ ghi nhận 5 ca bệnh, thì nhóm tiêm giả dược ghi nhận 109 ca bệnh.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được đưa ra một ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Mỹ phê chuẩn liều tăng cường của vắc xin Moderna và Johnson & Johnson. Theo FDA, người Mỹ có thể chọn tiêm tăng cường bằng vắc xin khác với loại ban đầu. FDA từng cho phép tiêm liều tăng cường của vắc xin Pfizer ít nhất là 6 tháng sau mũi tiêm đầu nhằm tăng khả năng bảo vệ cho những người từ 65 tuổi trở lên, những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và những người tiếp xúc với virus thông qua công việc của họ.
Trung Quốc hủy chuyến bay, đóng cửa trường học để chống dịch
Theo Channelnewsasia, nhà chức trách Trung Quốc ngày 21/10 đã hủy hàng trăm chuyến bay, đóng cửa các trường học và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để cố dập tắt đợt bùng phát virus corona mới, vốn liên quan tới một nhóm du khách.
Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận "Không Covid-19" với các biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và phong tỏa. Nước này đã dập được phần lớn các đợt bùng phát dịch trong nước song các ca mắc mới Covid -19 đã xuất hiện ngày thứ 5 liên tiếp ở nước này, chủ yếu ở các khu vực phía bắc và tây bắc. Do đó, nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp nhằm sớm kiểm soát dịch.
Đợt bùng phát dịch mới nhất liên quan đến một cặp vợ chồng cao tuổi trong một nhóm có vài khách du lịch. Ban đầu họ ở Thượng Hải, sau đó bay đến Tây An, tỉnh Cam Túc và khu tự trị Nội Mông. Hàng chục trường hợp được xác định có liên quan tới cặp vợ chồng này, với các tiếp xúc gần xảy ra tại ít nhất 5 tỉnh và khu vực, gồm cả thủ đô Bắc Kinh.
Trước tình hình trên, các chính quyền địa phương đã triển khai xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa các danh lam thắng cảnh, các địa điểm du lịch, trường học và các địa điểm vui chơi giải trí tại các khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi nhỏ đối với các khu nhà dân.
Ở một số vùng, gồm cả Lan Châu ở miền tây bắc Trung Quốc, chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không rời khỏi địa phương nếu không có việc cấp thiết. Sân bay tại các khu vực bị ảnh hưởng đã hủy hàng trăm chuyến bay. Khoảng 60% các chuyến bay tới hai sân bay chính ở Tây An và Lan Châu đã bị hủy.
Theo thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ngày 21/10, nước này ghi nhận 13 ca mắc mới COVID-19.
Melbourn tái mở cửa sau thời gian phong tỏa kỷ lục
Theo CNA, ngay từ sáng sớm nay (22/10), người dân Melbourne đã kéo tới các quán rượu, nhà hàng và tiệm cắt tóc sau khi trải qua thời gian phong tỏa dài nhất thế giới. Sau 6 đợt phong tỏa kể từ tháng 3/2020, thành phố lớn thứ hai của Australia này đã chịu 262 ngày phong tỏa, hay gần 9 tháng.
Từ 11h59 đêm qua, người dân Melbourne đã hò reo, vỗ tay từ ban công giữa tiếng còi xe vang lên không ngừng nghỉ khi lệnh phong tỏa kết thúc.
Hoài Linh
WHO cảnh báo nguyên nhân Covid-19 kéo dài sang năm 2022
Đại dịch Covid-19 sẽ hoành hành thêm một năm nữa, dai dẳng hơn là bởi "các nước nghèo chưa thể có được lượng vắc xin cần thiết", theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).