Ở thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang, (Gia Lai) bà Đặng Thị Liễm được xem là gương điển hình cho việc nông dân vươn lên thoát nghèo. Nay dù đã 90 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn chắt chiu, tích cóp tiền bạc giúp đỡ người nghèo khó hơn mình.

Theo lời bà Liễu, trước đây bà ở Hải Dương, đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Sau giải phóng, bà giữ chức Hiệu trưởng Trường mầm non thị xã Hải Dương.

Năm 1981, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà Nước, bà cùng 6 người con đi kinh tế mới ở nông trường sông Ba (nay là xã Đak Hlơ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Vào mảnh đất mới với những con người xa lạ, cuộc sống còn khó khăn nên bà làm đủ nghề để có thể nuôi sống 7 miệng ăn. Để cuộc sống bớt khổ, bà cùng các con dọn dẹp lại đất đai rồi canh tác và làm bún sống qua ngày.

Qua thời gian, cuộc sống của gia đình bà cũng ổn định hơn. Khi khôn lớn, các con của bà cũng lập gia đình rồi sống riêng. Thấy các con có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bà phần nào vui lòng và không muốn các con bận tâm nên ra ở riêng. Về phần bà thì xây một căn nhà nhỏ ở cạnh nhà người con thứ 6 để ở.

“Năm 2014,  vì thấy tôi neo đơn, tuổi lại cao nên UBND xã cấp sổ hộ nghèo cho tôi. Thế nhưng một năm sau thì  tôi xin ra khỏi hộ nghèo, nhường cho những hộ nghèo hơn”, bà Liễm chia sẻ với báo chí.

{keywords}
Cụ bà Đặng Thị Liễm.

Theo bà Liễm, được là hộ nghèo thì sẽ được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, bà tâm niệm có làm có ăn, không ỷ lại người khác nên quyết xin ra khỏi hộ nghèo.

“Xã này còn nhiều hộ khó khăn, còn nhiều người phải chật vật lo miếng ăn hàng ngày. Họ còn khổ hơn tôi gấp trăm lần.  Tôi muốn nhường phần đó cho những hộ khó khăn hơn tôi”, bà nói

Hiện tai, bà Liễm vẫn ở một mình nhưng bà thường xuyên tích cóp tiền để giúp đỡ những người khó khăn vay khi cần.

 Ví dụ có  2 hộ nghèo ở làng Lợt (xã Đak Hlơ) là hộ Đinh Phi và Đinh Khuynh không có tiền làm ăn phát triển kinh tế, bà Liễm đã ủng hộ 1 triệu đồng để 2 hộ trên mua cây giống về phát triển kinh tế gia đình.

Bà tâm sự, “Tôi làm việc thiện ở cái tâm. Xưa tôi khổ nhiều nên ngày nay giúp được ai thì tôi  giúp. Ai thực sự khó khăn thì tôi cho mượn hoặc ủng hộ một chút để động viên họ”.

Ông Bùi Phích, - Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ chia sẻ: Dù bà đã 90 tuổi, sức khỏe đã yếu dần, nhưng bà vẫn sống tiết kiệm, tự lo cho bản thân và giúp đỡ những người nghèo hơn trong làng.

Vị chủ tịch xã cũng cho biết, ông đánh giá cao tinh thần của một công dân có trách nhiệm như bà Liễm.

Được biết, từ năm 2006 đến nay, chính quyền ở huyện Kbang cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của chính quyền và chính bản thân người nghèo. Nhiều tổ chức đoàn thể đã giúp đỡ hội viên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Kết quả đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được cải thiện rõ rệt, người nghèo đã được tiếp cận và hưởng nhiều hơn các dịch vụ xã hội. 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, 95% số làng và hơn 90% số hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt, 50% dân cư nông thôn và 90% dân cư đô thị được dùng nước sạch.

Những hộ dân tộc thiểu số nghèo được cấp phát thẻ khám- chữa bệnh miễn phí; trên 90% số hộ có công với cách mạng có đời sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở cộng đồng dân cư nơi họ cư trú. Sóng phát thanh-truyền hình, báo chí đã về đến tận thôn làng, 100% xã đã dùng điện thoại.

Ngoài ra, huyện cũng đặt ra mục tiêu mỗi năm bình quân giảm trên 5% hộ nghèo, tương đương 734 hộ thoát nghèo. Hướng đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,77%, năm 2020 giảm xuống còn dưới 7%. 

Bà Nguyễn Thị Hà- Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo - việc làm huyện Kbang cho biết, ngay từ khi đề ra chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, huyện tuyên truyền về ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời bằng cách hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo có khả năng thế mạnh gì thì phát huy thế mạnh đó để làm động lực thoát nghèo.

Hồng Nhì
Ảnh: Hồ Nhụy