- Năm 1999, gia đình tôi có mua một mảnh đất của một người quen cũ. Do giấy tờ hồi đó có dấu hiệu hư hỏng nên vừa rồi tôi đi làm lại sổ đỏ. Cán bộ xã yêu cầu tôi phải có chữ kí xác minh của người chủ cũ, nhưng người đứng tên mảnh đất đó hiện đã mất, còn người vợ lại không đứng tên.
Hơn nữa, dù tôi có thuyết phục thế nào thì người vợ đó cũng không chịu cho xin chữ ký vì sợ bị liên quan trách nhiệm. Xin luật sư cho tôi hỏi việc xin chữ ký đó liệu có cần thiết không? Tôi phải thực hiện chính xác những thủ tục gì đó có thể làm sổ đỏ cho mảnh đất đã mua 17 năm này.
Vì bạn đã nhận chuyển nhượng mảnh đất từ năm 1999 nhưng chưa làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nên có thể thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 mảnh đất này thuộc trường hợp được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”
Vậy, nếu bạn có đủ các điều kiện như nêu trên thì có thể làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bạn mà không phải làm lại thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ gia đình người bán.
Ngược lại, nếu bạn không đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định (ví dụ: không có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất…) thì phải làm các thủ tục như sau:
Vì quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng người bán nên khi người chồng mất, quyền sử dụng đất trở thành di sản thừa kế, được chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người chồng. Nếu muốn sang tên quyền sử dụng đất đó cho bạn thì người vợ phải thỏa thuận với các đồng thừa kế về việc chuyển quyền sử dụng đất nêu trên.
Trước hết, các đồng thừa kế của người bán phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho bạn. Sau khi các đồng thừa kế của hoàn thành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì bạn phải thỏa thuận với họ về việc tiến hành thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho bạn. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng theo trình tự, thủ tục quy định của Điều 40, 41, 42 Luật Công chứng năm 2014, hoặc lựa chọn chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp xã theo quy định tại điểm d, khoản 1 và điểm c, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Sau đó người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất và xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc