Quyết định lịch sử

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh bên ngoài (OPEC+) vừa công bố một quyết định lịch sử: nhất trí giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6, 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và 6 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2021 cho đến hết tháng 4/2022.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo tụt nhu cầu đối với dầu thô, trong khi nước Nga và Saudi Arabia khởi động một cuộc chiến dầu khí khiến giá tụt giảm xuống mức thấp lịch sử trong vòng 18 năm qua (xuống dưới 20 USD/thùng). Nó khiến các nước sản xuất dầu buộc phải tổ chức một cuộc họp bất thường bắt đầu từ hôm qua.

Thỏa thuận cắt giảm lịch sử 10 triệu thùng một ngày đã được thống nhất nhưng quyết định cuối cùng sẽ có trong ngày 10/4 sau khi Mexico phản đối phần sản lượng nước này cần giảm.

Thông tin từ Reuters cho thấy, thỏa thuận này không phụ thuộc vào các quốc gia ngoài OPEC+. Tuy nhiên, OPEC vẫn kêu gọi những nước sản xuất dầu mỏ khác, như Mỹ, giảm sản lượng thêm 5 triệu thùng/ngày.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu là kết quả của những nỗ lực dàn sếp của tổng thống Mỹ Donald Trump với những cú điện đàm riêng rẽ với cả tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman trong tuần vừa qua.

{keywords}
OPEC+ thống nhất cắt giảm sản lượng dầu.

Tuy nhiên, mức cắt giảm trong cuộc họp lần này dường như chưa đủ mạnh, chưa đủ để ứng phó tình trạng sức cầu suy giảm vì ảnh hưởng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona gây ra trên thế giới.

Trên CNBC, nhà phân tích thị trường Bjornar Tonhaugen đến từ Rystad Energy cho rằng, mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày sẽ giúp thị trường trong ngắn hạn, tránh các bể chứa bị đầy nhưng vẫn là diễn biến gây thất vọng với những người nhận ra quy mô dư cung.

Giá dầu trong phiên giao dịch đêm qua quay đầu giảm mạnh sau khi tăng vọt vào đầu phiên do nhà đầu tư lo ngại mức giảm trên chưa đủ để ứng phó tình trạng lực cầu suy giảm vì ảnh hưởng từ virus corona.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua,giá dầu WTI giảm gần 9,3% xuống còn 22,76 USD/thùng. Trước đó, lúc đầu phiên trước khi cuộc họp đang diễn ra, giá dầu WTI có lúc tăng hơn 12% lên 28,36 USD/thùng.

Giá dầu Brent chốt phiên cũng giảm hơn 4,1% xuống 31,48 USD/thùng, thay vì mức 36,4 USD/thùng trước đó.

Donald Trump hưởng lợi

Trên thực tế, khối lượng cắt giảm 10 triệu thùng/ngày và gần đúng với kỳ vọng của ông Donald Trump cho dù chưa đủ để thay đổi một thị trường dấu khí vẫn đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng dư thừa nguồn cung và cầu tụt giảm.

{keywords}
Biến động giá dầu từ đầu năm.

Trước đó, sau những cuộc điện đàm với tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, trên Twitter, ông Trump kỳ vọng vào “sự cắt giảm khoảng 10 triệu thùng, và có thể hơn thế nữa”. Thậm chí, trong một tweet sau đó, ông Trump còn đặt cược các nước sẽ cắt giảm tới 15 triệu thùng/ngày.

Dù vậy, thỏa thuận của OPEC cũng được xem là một thành công của ông Donald Trump. Nga, Saudi Arabia và các nước cắt giảm sản lượng trong khi Mỹ sẽ cân nhắc theo những tính toán riêng của mình.

Thỏa thuận của OPEC+ diễn ra gần đúng như kỳ vọng của tổng thống Mỹ. Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng đã có thêm một phiên tăng điểm ấn tượng chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 đang hướng tới tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1974.

Đóng cửa phiên đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 285,80 điểm lên gần 23.720 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng thêm 40 điểm lên gần 2.790 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 63 điểm lên 8.154 điểm.

Tính từ đầu tuần cho đến hết đêm qua, chỉ số S&P 500 đã tăng tổng 12,1%. Đây là mức tăng trong 1 tuần mạnh nhất kể từ năm 1974. Nasdaq cũng có tuần khởi sắc nhất kể từ năm 2009 với mức tăng 10,6%. Chỉ số Dow cũng đã có thêm 12%, mức tăng hàng tuần lớn nhất trong lịch sử.

{keywords}
Ông Donald Trump muốn các nước cắt giảm sản lượng dầu.

Chứng khoán Mỹ tăng còn do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục quyết liệt với những kế hoạch bơm tiền đúng như mong muốn của ông Donald Trump. Đêm qua, Fed công bố chi tiết về một loạt các chương trình hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian "đóng băng" vì Covid-19.

Theo đó, Fed công bố một gói cho vay lên tới 2,3 ngàn tỷ USD để hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Fed cam kết sẽ có những biện pháp mạnh “cho tới khi nền kinh tế vững chắc trên con đường hồi phục”. Ông Powell cũng cho rằng, các điều kiện trên thị trường tài chính về tổng thế đã được cải thiện.

Về tổng thế, nước Mỹ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Thất nghiệp tiếp tục gia tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ sớm đạt mức 2 con số và có thể lên tới 15% số người lao động.

Theo dự báo của Bloomberg, 100% kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Đại dịch Covid-19 đã trở thành yếu tố góp phần gây ra một cuộc khủng hoảng có thể là tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, những diễn biến trên TTCK cho thấy, triển vọng của nền kinh tế Mỹ cũng không quá tăm tối. Số người chết tại Mỹ vẫn gia tăng mạnh nhưng số người nhiễm virus corona có dấu hiệu tăng chậm lại.

Gần đây, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) vẫn giữ giữ nguyên xếp hạng AA+ cho triển vọng nợ dài hạn của Mỹ cho dù nước này bơm nhiều ngàn tỷ USD vào nền kinh tế vì Covid-19.

Theo S&P, gói kích thích kinh tế "chưa từng có" của nước Mỹ sẽ hạn chế đà suy giảm tăng trưởng và tạo tiền đề cho sự phục hồi vào năm 2021. Trong khi đó, một đồng USD yếu đi lại là mong muốn của ông Donald Trump trong cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc.

M. Hà