Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Sự kiện tháng 5 vừa rồi là một cú hích để đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, kêu gọi lòng yêu nước của tất cả mọi người dân thể hiện qua việc tiêu dùng hàng Việt".

Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/6, người phát ngôn của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, quan hệ kinh tế Việt- Trung vẫn đang tiếp tục phát triển là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Các hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đang diễn ra bình thường, kể cả qua đường chính ngạch hay tiểu ngạch.

Trong thương mại, 5-6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực quan trọng của Việt Nam đều có kim ngạch xuất lớn sang Trung Quốc… ngược lại, Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu lớn từ Trung Quốc nhiều mặt hàng trọng yếu.

{keywords}
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.

"Tuy nhiên, có vấn đề là chúng ta đang xuất siêu sang nhiều vùng như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản nhưng chính những mặt hàng xuất siêu này lại phụ thuộc lớn nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc", thứ trưởng Hải cho hay.

Ông liệt kệ, điển hình là dệt may, da giày hay như thuỷ sản. Ngay cả thức ăn nuôi cá hiện Việt Nam vẫn đang nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đánh giá về cơ cấu xuất nhập khẩu này, thứ trưởng Hải nói: Trước đây, vẫn nhiều ý kiến đã nói Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào 1 thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, ngay từ sớm, Bộ Công Thương đã có hệ thống các giải pháp đồng bộ để giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc từ nước láng giềng.

Cơ bản, đó là những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu đối với thị trường này.

Theo thứ trưởng Hải, vừa qua, chúng ta đã tăng xuất khẩu khá tốt sang Trung Quốc khi mà 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 28,4%.

Để giảm nhập khẩu, ông Hải cho rằng, muốn làm được thì phải tăng cường sản xuất trong nước. Ví dụ như công nghiệp hỗ trợ cần phát triển để cung ứng nhu cầu trong nước. Đến nay, nhiều mặt hàng đã giảm nhập khẩu như nguyên liệu trong ngành dệt may, các mặt hàng thành phẩm đã làm được tốt.

Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh việc tiến hành cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

"Ta có 90 triệu dân, nếu tất cả dùng hàng Việt thì sẽ có kim ngạch khá. Hiện nay, người Việt Nam hiện nay vẫn mua gạo Thái Lan, hoa quả Thái Lan. Nhiều mặt hàng ta sản xuất được, đã xuất khẩu được, tại sao người Việt lại không dùng mà dùng hàng ngoại giá cao hơn", người phát ngôn của Bộ Công Thương nói.

{keywords}
Hoạt động XNK tại các cửa khẩu vẫn bình thường.

"Ưu tiên dùng hàng Việt, đây chính là hành động yêu nước trong thời điểm này có thể thể hiện được", ông Hải nhấn mạnh.

Vị thứ trưởng cũng đánh giá: "Không phải bây giờ mới đặt ra việc này, mà từ trước đã đặt ra nhưng các nhà quản lý, các địa phương vẫn chưa quyết liệt. Tôi cho là, sự kiện tháng 5 là 1 cú hích để đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp trên nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, là lúc kêu gọi lòng yêu nước của tất cả mọi người, thể hiện qua việc tiêu dùng hàng hoá".

Thông tin từ Bộ này cũng cho hay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, như có thể nhập khẩu xơ từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, nhập khẩu sợi từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và nhập khẩu vải từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Đồng thời, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khai thác cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đã tự chủ nguồn cung nhanh chóng, nhất là sợi và dệt nhuộm. Một loạt doanh nghiệp sản xuất sợi đã mở rộng quy mô lớn trong nước, đầu tư, nâng cao năng lực cung cấp sợi và giảm dần giá trị nhập khẩu.

Kể từ năm 2001 đến nay, Trung Quốc vẫn đang làm thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ở nhiều nhóm hàng tư liệu sản xuất, cơ bản, nguyên vật liệu, như máy móc thiết bị phụ tùng, phân bón, hoá chất... Hàng hoá Việt Nam xuất sang Trung Quốc có giá trị không lớn như nông sản, sắn, củ quả, và khoáng sản như than đá, dầu.

Phạm Huyền