Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật; từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”.
Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định trọng tâm và các định hướng cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp nói chung trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, gồm: tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai ở nước ta gắn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và song hành cùng việc phát triển thị trường dịch vụ pháp lý.
Ngày 28/5/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tạo lập cơ sở pháp lý chính thức cho công tác này. Theo đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.
Trong giai đoạn mới, với mục tiêu mở rộng các hình thức hỗ trợ pháp lý và triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý một cách chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, xác định hỗ trợ pháp lý là một trong bảy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đồng thời cũng là nền tảng, cơ sở của tất cả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy công tác này như Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam “còn tiếp tục phải đối mặt với không ít hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức”; do đó, một trong các giải pháp đặt ra là “nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật…”.
Trong bối cảnh đó, nhằm triển khai Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói riêng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra là “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững”, trong đó có yêu cầu: “tiếp tục đổi mới công tác… hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”. Do đó, việc xây dựng Đề án (và triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) cũng góp phần thực hiện hiệu quả, thiết thực Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Kết quả là, Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 345/QĐ-TTg ngày 4/5/2023 mở ra điều kiện và không gian mới cho nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý trong 10 năm tiếp theo.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn với việc kết nối nhiều mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của nước ta.
Trước đó, theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp, đại đa số doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục phát triển các hình thức hỗ trợ pháp lý theo hướng chiều sâu hơn như bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý và cán bộ pháp chế của doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng cường khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp, hình thành văn hóa pháp lý và góp phần thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật trong môi trường kinh doanh.