Cù Lao Dung là một huyện khá đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng với 8/8 đơn vị hành chính đều là xã đảo, nằm cách biệt với đất liền.
Trước đây, khi chưa triển khai xây dựng nông thôn mới, điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện rất khó khăn. Các công trình cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm thiếu và yếu. Sinh kế người dân chủ yếu chỉ dựa vào canh tác mía hiệu quả thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 18 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 36,62%. Qua rà soát năm 2010, các xã chỉ đạt bình quân 4,7 tiêu chí.
Hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, bằng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao nhất, tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung dưới sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành các cấp đã phát triển khu vực nông thôn đạt nhiều kết quả nổi bật.
Đến cuối năm 2023, huyện Cù Lao Dung dự kiến có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1/7 xã (14,28%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Cù Lao Dung đã rà soát đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh. Huyện đã đầu tư, thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 61,54 triệu đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm chỉ còn 0,35%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chỉ còn 2,23%.
Địa phương không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả đáng ghi nhận, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình thống nhất cao từ nhân dân, với 99,89% người dân tham gia ý kiến đồng thuận về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU (16/12/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung đã góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu, tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/HU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để nghiên cứu học tập, quán triệt.
Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện triển khai Nghị quyết đến các ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, để tổ chức triển khai và thực hiện sát với tình hình thực tế tại huyện Cù Lao Dung. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân toàn huyện, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1 chuyên canh cây mía nhiều năm. Ngày trước, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào giá cả thị trường, có lúc thiệt hại do thời tiết. Năm năm trở lại đây, nhờ huyện tích cực triển khai Nghị quyết số 10-NQ/HU, các hộ chuyên canh mía như ông đã ổn định hơn.
Thay vì chỉ chuyên canh một loại, ông chuyển đổi cơ cấu, trồng xen canh 3 loại cây chủ lực gồm: nhãn, mít và chanh bông tím. Mỗi năm, vườn cây mang đến cho ông thu nhập vài trăm triệu đồng.
Ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung cũng hỗ trợ cây giống, phân bón cho đến mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... giúp nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Hiện nay, ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã đạt mức tăng trưởng khá nhanh. Nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2023 tăng hơn 150% so với giai đoạn 2011 - 2015; cây ăn trái (nhãn, dừa) giai đoạn 2016 - 2020 tăng 100% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ từ diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, tôm nước lợ vừa đem lại hiệu quả vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010).
Hiện, huyện Cù Lao Dung có 7/7 xã nông thôn mới, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 2 xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây đạt xã nông thôn mới nâng cao, xã An Thạnh 1 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số.
Sáng ngày 29/5/2024 tại thành phố Hà Nội, Hội đồng thẩm định Trung ương đã tổ chức họp, xét công nhận huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Với định hướng xây dựng huyện trọng điểm về phát triển du lịch, tại Hội nghị, các bộ, ngành Trung ương đã tư vấn giúp huyện Cù Lao Dung đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu “Du lịch sinh thái miệt vườn” đặc trưng riêng của vùng đất “ốc đảo”.
Trân trọng cảm ơn, tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện của thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng yêu cầu lãnh đạo huyện Cù Lao Dung và các ngành của tỉnh nghiêm túc khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, đồng thời có giải pháp quyết liệt để tuyên truyền, chỉ đạo, đầu tư hoàn thiện, tiếp tục nâng chất tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.