Chúng ta không thể biết các nỗ lực bêu xấu các ứng cử viên của hai đảng sẽ có hiệu ứng như thế nào cho tới cuộc bỏ phiếu ngày Thứ ba 8/11.

LTS: Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm qua đã thông báo, không tìm thấy bằng chứng phạm tội nào sau khi điều tra lại các thư điện tử (email) của bà Hillary. Chắc chắn kết luận này sẽ dẫn tới những kịch tính mới trong cuộc bỏ phiếu ngày Thứ Ba, 8/11.

Xem lại kỳ 1: Quân bài chốt và những tiểu xảo chính trị

Điều ngạc nhiên Trump

Nhìn lại những điều ngạc nhiên tháng 10 đối với ông Trump cũng hiệu quả nhưng cũng khá dân dã.

Phe Dân chủ sử dụng tháng 10 để một lần nữa xới lên ba câu chuyện cũ trong vài tháng nay: ông Trump không nộp thuế và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để trốn thuế; công việc kinh doanh của ông đang gặp khó khăn và hàng tỷ USD tài sản của ông chỉ là lừa dối; và ông không trả lương cho công nhân. Các câu chuyện này không khiến ông bối rối và việc truyền thông đưa tin đậm khiến chúng trở nên vặt vãnh.

Điều ngạc nhiên tiếp theo tất nhiên có thể đoán được là bê bối tình dục. Năm 2005, Billy Bush, chủ nhà sản xuất Access Hollywood, đã bí mật ghi lại cuộc trò chuyện trong đó ông Trump đưa ra những nhận xét dâm dục về phụ nữ. Thật mỉa mai, Billy Bush lại có liên hệ trực tiếp với Tổng thống George W. Bush. Đoạn băng đã được lan truyền như virus và ít nhất 10 phụ nữ đã lên tiếng với các câu chuyện về quấy rối tình dục. Nhiều người ủng hộ ông Trump đã bắt đầu rút lại sự ủng hộ của mình. Cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump giảm mạnh, nhưng ngay sau đó lại tăng lên.

Phe Dân chủ dường như quên rằng cử tri từ lâu biết rõ về cách hành xử và kiểu yêu đương lăng nhăng của ông Trump, và việc này cũng không làm phiền họ bằng vụ tham nhũng của bà Clinton. Nhưng ông Trump đã cáo buộc những vụ tấn công của phe Dân chủ là nhằm tạo lợi thế cho bà Clinton trong cuộc bầu cử tới. Đội ngũ tranh cử của ông đã vạch ra nhiều âm mưu gian lận lá phiếu của phe Dân chủ.

Trong một điều ngạc nhiên khác, một tổ chức bảo thủ mang tên Project Veritas đã bí mật ghi hình các đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ khoe khoang về việc gian lận phiếu cho bà Clinton và việc họ đã trả bao nhiêu tiền để người ta gây rối trong các cuộc tụ tập ủng hộ ông Trump. Vậy là ông Trump đã đúng về những cuộc bầu cử sắp đặt.

{keywords}

Chu kỳ bầu cử đã biến nền dân chủ Mỹ –quá trình diễn tiến và các thể chế của nó – thành một cái “lò mổ” trong đó một ứng cử viên có thể giành quyền lực không theo nguyên tắc nào.

Có thể cuộc công kích mạnh nhất nhằm vào ông Trump để bảo vệ bà Clinton là gắn Tổng thống Nga Putin với các vụ hack thư điện tử và với ông Trump. Quân đội của ông Putin đứng sau các vụ tin tặc hack thư điện tử của DNC và Podesta và đưa cho Wikileaks để gây khó cho bà Clinton. Ông Putin đã bị Tổng thống Obama chỉ trích vì các hành động của Nga ở Trung Đông, Ukraine và các nước Baltic.

Ông Trump ngưỡng mộ ông Putin vì sự mạnh mẽ và thường xuyên nói công khai điều này. Phe Dân chủ và những người ủng hộ họ trong giới truyền thông đã gắn ông Trump với các vụ bê bối của bà Clinton là nhờ ông Putin. Họ nói ông Trump là một “con rối” của ông Putin, và nước Nga đang cố để ông Trump thắng cử trước bà Clinton. Vì vậy người Mỹ cần phải quên đi các vụ bê bối của bà.

Các tác động

Chúng ta không thể biết các nỗ lực bêu xấu các ứng cử viên của hai đảng sẽ có hiệu ứng như thế nào cho tới cuộc bỏ phiếu ngày Thứ ba 8/11. Hiện hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả ông Trump và bà Clinton đều đang bám đuổi nhau, đôi lúc bà Clinton có thể vượt lên một chút.

Cách hành xử chưa đúng của ông Trump và bà Clinton đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt 18 tháng tranh cử vừa qua.

Những điều ngạc nhiên tháng 10 chỉ là một “giọt nước tràn ly”. Bản chất của các chiến dịch tranh cử là chỉ ra điều tồi tệ nhất của ứng cử viên. Hầu hết các sự kiện tranh cử cho thấy các ứng cử viên đều khẳng định mình không làm gì sai và người khác phải chịu trách nhiệm, những điều làm sai không phải là quá tệ và đối phương còn tệ hơn mình, kêu gọi mọi người không nên để ý đến những thứ rác rưởi như thế… v.v … và v.v…

Vậy, giữa hai lựa chọn rất tồi, cử tri hoặc là bịt mũi và bỏ phiếu cho đảng mình, hoặc bỏ đi cắm trại ăn uống và không bầu bán gì, hoặc là tìm cách mới để bênh vực người không thể biện hộ. Trước thực tế này, các nhóm có thể tự thuyết phục rằng ứng cử viên của họ không quá tệ, sẽ có khả năng chiến thắng.

Hậu quả

Nước Mỹ đang có vấn đề và hậu quả có thể sẽ kéo dài nhiều năm. Nhà Clinton đã chính trị hóa thành công Bộ Tư pháp và FBI đến mức chưa từng thấy trong lịch sử, buộc cả hai cơ quan này lờ đi các tội ác tiềm ẩn và tấn công đối thủ như Trump để bảo vệ và thúc đẩy lịch trình Clinton. Nhà Clinton đã làm ảnh hưởng uy tín của Bộ Ngoại giao, cơ quan đã bị cáo buộc phải bảo vệ cách hành xử của bà khi bà lãnh đạo Bộ. Bộ này còn tiếp tục “chặn” các yêu cầu của công dân và nghị sĩ liên quan đến các tài liệu của bà Clinton nhằm giấu giếm nội dung của chúng. Bộ Ngoại giao vốn có uy tín rất cao.

Truyền thông đã tạo ra hình ảnh ông Trump như một chính trị gia bằng cách nhiệt tình đưa tin về chiến dịch tranh cử kiểu “truyền hình thực tế” của ông, nhằm kiếm doanh thu và nâng thứ bậc xếp hạng từ việc này. Nhưng một khi đã tạo ra Trump, họ đã không thể phá hủy ông. Giờ đây truyền thông đang bị tụt hạng thấp nhất mọi thời đại. Kênh Foxnews, mạng bảo thủ duy nhất giờ đã bị chia tách làm đôi vì Trump, với một số chương trình ủng hộ và một số chương trình phản đối ông.

Ông Trump là ứng cử viên đảng Cộng hòa, nhưng lại theo đuổi rất ít chính sách truyền thống của đảng này. Cách hành xử của ông khiến nhiều người Cộng hòa quyết định rút lại sự ủng hộ của mình. Kết quả là, khả năng phe Cộng hòa vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và duy trì quyền kiểm soát Quốc hội đã không còn. Người Cộng hòa sẽ ít khả năng giành chiến thắng và nếu ông Trump đắc cử, họ sẽ chẳng muốn ủng hộ ông. Phe Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát tại Thượng viện, và có thể sẽ bị chia rẽ và không thể cứu vãn.

Phe Dân chủ giờ đây gặp một vấn đề lớn với bà Hillary dù bà sẽ thắng hay thua trong tuần tới. Họ buộc phải bảo vệ cách hành xử đáng trách của bà và của các cộng sự lâu năm của bà, không chỉ bằng việc tôn trọng thư điện tử của bà và các thỏa thuận của Quỹ Clinton, mà cả những thay đổi về chính sách lớn mà bà đưa ra trong chiến dịch tranh cử đơn giản chỉ để giành lá phiếu. Chẳng hạn, bà từng là vị “kiến trúc sư” của thương mại tự do nhưng giờ quay ra chống lại nó. Kiểu "tạo cơ hội cho đối thủ" nhằm giành lá phiếu cử tri như thế này chưa bao giờ thấy trên chính trường Mỹ.

Chu kỳ bầu cử đã biến nền dân chủ Mỹ –quá trình diễn tiến và các thể chế của nó – thành một cái “lò mổ” trong đó một ứng cử viên có thể giành quyền lực không theo nguyên tắc nào.

Ai có thể tưởng tượng rằng bà Clinton đã tranh cử tổng thống 4 năm nay và chi 1 tỷ USD lại phải đối đầu với một tỷ phú truyền thông và bất động sản, người chỉ mới tiến hành chiến dịch tranh cử một năm nay, chi rất ít tiền và dường như chẳng muốn làm nghề này? Và rồi chẳng có gì ngoài một loạt vấn đề lộ ra./.

GS TS. Terry F. Buss (Học viện Hành chính quốc gia Mỹ viết riêng cho Tuần Việt Nam)