Sáng nay, 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện - bà Nguyễn Thị Thanh Hải - nói: Cử tri Hà Nội cho rằng việc Bộ GD-ĐT luôn thay đổi đề án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh. Cử tri đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.

{keywords}
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải

Cử tri một số tỉnh phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La và yêu cầu Bộ GD-ĐT cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này cũng như các giải pháp khắc phục hậu quả.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GD-ĐT cho biết đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức thi THPT quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi.

Ngày 4/12/2018, Bộ GD-ĐT đã ra thông báo nêu rõ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018. Đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.

Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.

Chưa nêu rõ trách nhiệm

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một số Đoàn Đại biểu Quốc hội đánh giá cách trả lời, giải trình của Bộ GD-ĐT là chung chung, thiếu thuyết phục.

Cử tri các tỉnh đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý Nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại các tỉnh, nhưng Bộ chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Về trách nhiệm của mình, Bộ chỉ nêu "Ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi”.

“Như vậy, Bộ GD-ĐT chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trong công tác quản lý Nhà nước của mình khi để xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay” - bà Hải nhấn mạnh.

Theo bà Hải, trách nhiệm của Bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi... chưa khoa học, còn sơ hở, chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm.

Ngoài ra, Bộ chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm..., nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường đại học xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi.

Việc xử lý các cá nhân, tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời cử tri.

Để các tỉnh tự chấm môn văn, có tái diễn nâng điểm thi THPT quốc gia?

Để các tỉnh tự chấm môn văn, có tái diễn nâng điểm thi THPT quốc gia?

- Năm 2019, việc chấm thi môn Ngữ văn vẫn giao cho các Sở GD-ĐT dù năm 2018 đã từng xảy ra gian lận ở khâu này.

Thu Hằng