Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu, nhu cầu thực phẩm trong dịp này như: nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, sữa chế biến, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột... nhất là bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) của người dân đã bắt đầu tăng cao. Ở thời điểm hiện tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện hàng loạt quầy trưng bày, bán bánh trung thu của rất nhiều thương hiệu khác nhau.
Vậy làm thế nào người tiêu dùng có thể chọn mua được những chiếc bánh vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Dưới đây là những tiêu chí lựa chọn và cách sử dụng bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng cần nắm kỹ trước khi chọn mua.
Khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Cần mua bánh trung thu ở những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu
Theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần, bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu gồm hai phần là vỏ bánh và nhân bánh. Bánh trung thu truyền thống thường được làm từ bột mì tinh luyện, đường, bơ, dầu thực vật, bột đậu dạng nhuyễn và tẩm ướp với đường, có thể thêm cả lòng đỏ trứng. Ngoài các thành phần chứa các chất dinh dưỡng trên, trong bánh Trung Thu còn có thể có các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi... và các chất bảo quản để bảo quản bánh lâu hơn.
Với các loại bánh có thương hiệu, sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nguyên liệu làm bánh cũng như việc sử dụng các chất phụ gia và chất bảo quản được thực hiện chặt chẽ. Việc sử dụng đúng cách, hợp lý các loại bánh trung thu này sẽ không gây hại đến sức khỏe của chúng ta.
Tuy nhiên, với các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác và không theo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ có những nguy hại cho sức khỏe. Bởi, các loại bánh này thường không tuân theo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Nguyên liệu làm vỏ bánh và nhân bánh không đảm bảo, có thể được sử dụng từ các nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đã hết hạn sử dụng hoặc có thể là nhập lậu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất phụ gia để tạo màu, tạo mùi và sử dụng các chất bảo quản quá liều lượng quy định hoặc không nằm trong danh mục được cấp phép sử dụng cũng gây các tác hại không nhỏ đến sức khỏe.
Theo Sức khỏe & Đời sống