- Cục Di sản văn hóa vừa có công văn gửi Sở VH-TT&DL Hà Nội về việc chấn chỉnh lại một số hoạt động đang làm biến dạng, sai lệch di sản tại lễ hội Bình Đà (Thanh Oai).

Theo đó, công văn số 211/DSVH-PVT yêu cầu Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với chính quyền, cộng đồng địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết bảo vệ và phát huy những giá trị di sản này đồng thời thực hiện công tác quản lý giám sát thực hành di sản tại cộng đồng.

{keywords}
Công văn của Cục về việc chấn chỉnh các hoạt động tại lễ hội Bình Đà

Cục Di sản văn hóa yêu cầu việc tổ chức các hoạt động vinh danh quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Bình Đà cần hạn chế tối đa các hoạt động cải biên, cải tiến làm sai lệch di sản.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, Bộ VH-TT&DL vừa công nhận lễ hội Bình Đà (Thanh Oai, Ha Nội) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Bình Đà diễn ra từ 3/4 -5/4 bao gồm nhiều hoạt động trong đó việc đưa màn trình chiếu 3D dài 30 phút với những ánh sáng màu xanh đỏ, với những âm thanh ồn ào làm phá vỡ không gian trang nghiêm của di tích khiến nhiều người và cả các chuyên gia về di sản bức xúc.

{keywords}
Trình chiếu ánh sáng tại lễ hội Bình Đà

Phóng viên đã liên hệ với ông Trương Minh Tiến- Phó giám đốc Sở VH-TT&DL thì được biết, Sở chưa nhận được công văn chỉ đạo từ Cục Di sản. Lãnh đạo Sở sẽ có hướng chỉ đạo và trả lời báo chí khi chính thức nhận được công văn này.

Làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ bao đời nay đã thờ cúng hai vị thần: Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Nội và Linh Lang đại vương tại đền Ngoại. Lễ hội làng Bình Đà có từ hàng trăm năm nay, đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Hằng năm, từ ngày 3 đến 6-3 âm lịch, làng lại mở lễ hội tưởng nhớ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Nội (gần đây được một số người gọi là Thánh Tổ Lạc Long Quân). Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1985.

T.Lê