Sáng 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ với nhiều điểm mới.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái cho biết, một số điểm mới trong luật được bổ sung như: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho UBND các tỉnh trong việc đầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác, bảo trì đường bộ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao cho UBND cấp tỉnh quản lý một số tuyến quốc lộ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh, trên cơ sở khả năng bố trí nguồn lực của địa phương.
Đáng chú ý, Luật cho phép thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, quản lý khai thác; thể chế hóa chủ trương mà Quốc hội đã quyết định tại Nghị quyết 52 năm 2017 khi quyết định chủ trương đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
“Luật Đường bộ cũng đưa ra yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai đầu tư đồng bộ các công phụ trợ như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe…, đảm bảo mang đến các tiện ích đồng bộ cho người tham gia giao thông”, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái thông tin.
Đặc biệt, Luật Đường bộ lần này còn dành riêng một chương quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc.
Theo đó, Luật quy định đầy đủ, bao quát về chính sách đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc; tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch. Từ đây tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Quy định chặt, quản lý hoạt động vận tải
Trong quản lý vận tải thời gian qua vẫn còn tồn tại dai dẳng tình trạng xe hợp đồng trá hình, “xe dù bến cóc”. Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước có 331.914 xe kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.
Với số lượng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, xe hợp đồng (trong đó có loại hình xe chở khách lẻ - hay được gọi là xe hợp đồng trá hình) đang được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Với loại hình này, hành khách được đón tận nhà và trả tận nơi cần đến. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này cũng gây nhiều hệ lụy, trong đó có nguy cơ mất an toàn giao thông mà vụ tai nạn thảm khốc từ một xe chở khách của nhà xe Thành Bưởi xảy ra vào ngày 30/9/2023 là ví dụ điển hình. Xe này hoạt động theo hình thức hợp đồng (chở khách riêng lẻ) mà không vào bến.
Tại TP.HCM, thống kê của Sở GTVT, đến tháng 4, Sở này ghi nhận có 87 vị trí hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định (tăng 17 điểm so với tháng 10/2023). Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” không những không giảm mà ngày một tăng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc quản lý kinh doanh vận tải công bằng, minh bạch. Hiện nay, các quy định pháp luật đối với lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động và đòi hỏi cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa để giải quyết triệt để tình trạng xe trá hình, “xe dù bến cóc”.
Theo Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Luật Đường bộ 2024 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, hướng tới quản lý hoạt động kinh doanh vận tải lành mạnh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mang đến dịch vụ vận tải tốt nhất cho người dân.
Những doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ tốt luôn được hoan nghênh và tạo mọi điều kiện, ngược lại những doanh nghiệp không chấp hành sẽ có các chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
Được biết, để Luật sớm đi vào cuộc sống, Cục Đường bộ đang khẩn trương nghiên cứu trình Bộ GTVT chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sơ bộ, sẽ có 7 Nghị định và hơn 10 thông tư hướng dẫn.
“Có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải ban hành để hướng dẫn một số điều của Luật có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 và các văn bản còn lại sẽ ban hành khi Luật có hiệu lực toàn bộ từ 1/1/2025.
Cùng đó, cần thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tham mưu cho Bộ GTVT để làm tốt công tác này”, ông Thái thông tin.