Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo trì giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 lên đến hơn 388.000 tỷ đồng.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã đạt được nhiều thành tích quan trọng.

Nông thôn mới ở Bạc Liêu

Trong đó, công tác phát triển giao thông nông thôn đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh so với thời kỳ trước, rất nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được bảo trì thường xuyên. Số xã chưa có đường đến trung tâm xã được giảm mạnh, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn.

Nhiều công trình đường thủy được nạo vét, duy tu luồng lạch; bến bãi tàu xe dành cho hành khách, tập kết hàng hóa được xây dựng, cải tạo; phương tiện vận tải tăng nhanh và đa dạng hình thức phục vụ.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới các tuyến đường giao thông nông thôn, một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay là chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng. Đặc biệt, ở một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tuyến đường xuất hiện sụt lún, sạt lở, hư hỏng. Nếu gặp thiên tai, mưa lũ, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn có thể bị tàn phá nặng nề, nguy cơ kéo lùi những kết quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Cả nước còn 13 xã chưa có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được cả bốn mùa, rất nhiều xã chưa cứng hóa được lớp mặt đường nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Do vậy, để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục đòi hỏi các cấp, các ngành triển khai sâu rộng trong thời gian tới. Đến nay đã có hơn 5.600 trên tổng số gần 9.000 xã của cả nước, tương đương 63,2% số xã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ này được nâng lên 75% và đến năm 2030 đạt 95%.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo trì giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 lên đến hơn 388.000 tỷ đồng. Để huy động được nguồn lực rất lớn này cần tiếp tục kêu gọi nguồn vốn trong nước, vốn ODA đầu tư cho giao thông nông thôn.

Cần kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, bao gồm cả chính sách tín dụng cho doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống giao thông nông thôn tại vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên. Cân đối các nguồn lực hợp lý, có chính sách thỏa đáng để động viên, khơi dậy phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn tại các địa phương là một trong những bài học kinh nghiệm thành công của giai đoạn vừa qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực chính để mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông nông thôn sớm về đích.

Minh Yến