Hàng ngày, người dân ở các đảo gần ranh giới tranh chấp trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đều chứng kiến những màn rượt đuổi của hải quân....


{keywords} 

Vào ngày trời trong, cư dân đảo Yeonpyeong có thể nhìn thấy Triều Tiên, ở cách đó khoảng 10km. Đôi khi họ có thể chứng kiến tàu chiến Hàn Quốc rượt đuổi tàu cá Triều Tiên và Trung Quốc. Các vùng biển ở Hoàng Hải nằm trong số những nơi có nhiều cua xanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, gần đây, cuộc sống của các cư dân trong cộng đồng đánh bắt này gặp nhiều rủi ro hơn. Hôm 22/5, các ngư dân được yêu cầu phải vào hầm tránh bom sau khi Triều Tiên nã pháo quanh đảo này, dù không trúng thứ gì. Trước đó một tuần, hải quân Hàn Quốc phải bắn 10 phát cảnh cáo các tàu Triều Tiên sau khi các tàu này vượt qua ranh giới trên biển giữa hai miền.

Đường ranh giới được Mỹ đơn phương vạch ra sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953. Cuộc xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kết thúc bằng một thỏa ước ngừng bắn và vẫn kéo dài tới giờ, khiến hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Căng thẳng đặc biệt cao dọc 5 hòn đảo của Hàn Quốc vốn định hình biên giới trên biển, được biết tới với cái tên Đường giới hạn phía bắc (NLL). Gần đây, khu vực này chứng kiến sự tăng vọt các vụ đấu pháo giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Triều Tiên không công nhận NLL. Đường ranh giới này cũng không được quốc tế thừa nhận. Tàu chiến và tàu cá của Triều Tiên thường xuyên vượt ranh giới - vốn là tuyến đường biển chiến lược đi vào vùng trung tâm công nghiệp của cả hai miền Triều Tiên. Việc này dẫn tới một loạt cuộc chiến trên biển và đấu pháo suốt 15 năm qua.

Giới truyền thông ngoại quốc bị hạn chế đi lại tại các hòn đảo nhạy cảm về mặt quân sự này. Trong chuyến thăm gần đây, phóng viên Reuters phát hiện cảnh rượt đuổi giữa hải quân Hàn Quốc với tàu cá Trung Quốc diễn ra hàng ngày. Quân đội Triều Tiên từ nhiều năm qua cũng kiếm được khá tiền nhờ bán quyền đánh bắt ở khu vực này cho các tàu Trung Quốc, giới chức địa phương và lực lượng tuần duyên Hàn Quốc cho hay.

{keywords} 

Những hàng đinh dài chống đổ bộ được chôn ở bãi biển

Biên giới tranh chấp trên biển, tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của khu vực, lịch sử đối đầu bạo lực đã khiến những hòn đảo im lìm này trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, điểm nóng khiến cả Mỹ và Trung Quốc bị lôi vào.

"Ranh giới ở bờ biển phía tây là mối nối yếu nhất trong chuỗi xích ngăn hai miền Triều Tiên khỏi bùng phát xung đột và sự xuất hiện thường xuyên của một bên thứ ba - các ngư dân Trung Quốc, đã bổ sung thêm một tác nhân gây rối vào đống hỗn độn vốn đã mất ổn định", John Delury, trợ lý giáo sư đại học Yonsei ở Seoul cho hay.

Những vách đá cao nhất trên đảo Yeonpyeong là nơi tuyệt nhất để theo dõi các màn rượt đuổi giữa hai miền ở ngoài biển. Trong chuyến đi của Reuters tới đảo này, hai tàu tuần tra của hải quân Hàn Quốc và một tàu hộ tống nhỏ đã hú còi, đẩy một nhóm tàu cá quay lại phía bên kia của NLL. Các tàu cá thường được tàu tuần tra hải quân của Triều Tiên hộ tống, dân trên đảo cho hay.

Các điểm đặt ụ súng và tên lửa hành trình tầm xa Hyunmoo-1 - có khả năng bắn tới thủ đô Bình Nhưỡng, được đặt trên các vách đá. Gần đó là một tên lửa hành trình không được canh gác. Dưới biển, xe tăng, các boongke bằng cát được bố trí đối mặt với bờ biển của Triều Tiên. Ngoài ra, những hàng đinh dài chống đổ bộ cũng được chôn ở bãi biển

Khoảng 9.500 cư dân sống trên 4 hòn đảo trên. Đảo thứ 5 chỉ có một đơn vị đồn trú của quân đội.

Tiếng pháo đã trở thành âm thanh quen thuộc với cư dân trên đảo, các em nhỏ học sinh tiểu học cũng có thể nhận biết lúc nào quân Triều Tiên hay Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật.

  • Hoài Linh