Cái kết cho cuộc chiến 13 năm

CTCP Tập đoàn PAN (PAN) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt phương án chào mua công khai 7,7 triệu cổ phiếu BBC (tương đương 41,06% cổ phần) đang lưu hành còn lại của Công ty CP Bibica, nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 100%.

Quyết định được đưa ra sau khi Tập đoàn Hàn Quốc quyết định thoái vốn toàn bộ tại DN bánh kẹo hàng đầu Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây áp lực nặng nề trên toàn cầu, trong đó có Lotte.

Cuộc chiến 13 năm giữa hai thế lực nội - ngoại tại Bibica sẽ chấm dứt ngay trong năm nay. Chủ tịch PAN Group Nguyễn Duy Hưng có thể hiện thực hoá được mục tiêu nâng sở hữu tại Bibica lên 100% vốn đề ra 3 năm trước.

"Cuộc chiến" Bibica và Lotte xảy ra năm 2011, khi cổ đông lớn đến từ Hàn Quốc đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica, khiến thương hiệu Việt đứng trên bờ vực biến mất. Tuy nhiên, nỗ lực của nhà đầu tư ngoại đã không thành. Bibica cầu cứu và quyết định bắt tay với PAN, bán 35% cổ phần để làm đối trọng với Lotte.

{keywords}
Chủ tịch PAN Group Nguyễn Duy Hưng thực hiện được mục tiêu nâng sở hữu tại Bibica lên 100% vốn đề ra 3 năm trước.

Trước đó, từ 2007, với mong muốn phát triển mạnh mẽ, Bibica đón nhận nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Cũng phải ghi nhận rằng, với sự có mặt của Lotte, Bibica đã phát triển khá mạnh, thương hiệu được biết nhiều hơn, đặc biệt khi cuộc chiến giữa hai nhóm cổ đông nội - ngoại nổ ra.

Bibica cũng được hỗ trợ về mặt tài chính, công nghệ, dây chuyền, cách thức đẩy mạnh xây dựng nhãn hàng,... cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang nhiều nước khu vực châu Á. Đây là những kinh nghiệm quý báu.

Tuy nhiên, nỗ lực giữ mình cũng như tinh thần bảo vệ thương hiệu Việt của chính những người trong DN và ông trùm đầu tư tài chính Nguyễn Duy Hưng đã khiến tình thế thay đổi. Sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn trong nước và sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa giúp Bibica tiếp tục phát triển mạnh. Giá cổ phiếu Bibica tăng mạnh nhiều năm qua, mang lại lợi ích cho các cổ đông.

Giữ lấy thị trường nội 100 triệu dân

Sau khi hoàn thành thương vụ, PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng sẽ nắm toàn bộ 100% vốn tại Bibica. Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F (Feed - Farm - Food) của tập đoàn này trong công cuộc khai thác sâu ngành thực phẩm.

Khi doanh nghiệp đã về một chủ, cộng với nền tảng sẵn có, Bibicao có thể sẽ tập trung phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh số, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần ngày càng lớn mạnh hơn.

Gần đây, PAN Group của ông Hưng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng điều lệ, với tổng số cổ phần phát hành thêm tối đa là 235,8 triệu đơn vị, tương đương 2.358 tỷ đồng theo mệnh giá, và gần 7.000 tỷ đồng nếu tính theo thị giá hiện tại. Trong đó, PAN sẽ phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (khoảng 86,5 triệu cổ phần), cháo bán giá 15.000 đồng (khoảng 108 triệu cổ phần), chào bán riêng lẻ hơn 41 triệu đơn vị.

Hiện tượng cổ đông chiến lược đến từ nước ngoài đầu tư vào và rồi thâu tóm doanh nghiệp Việt diễn ra khá nhiều trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn tư nhân trong nước đã đảo chiều tình hình.

{keywords}
Các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh và có lúc thắng tập đoàn ngoại.

Không ít doanh nghiệp trong nước mua lại các thương hiệu Việt đã rơi vào tay khối ngoại, hay thậm chí thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài.

Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thâu tóm toàn bộ Vinacafé Biên Hòa (VCF) từ các cổ đông lớn, trong đó có "ông lớn" VinaCapital. Cả Masan và Vinacafé Biên Hòa đều hưởng lợi sau thâu tóm. VCF tiếp tục tăng trưởng rất mạnh, lãnh đạo cấp cao của DN cũng hưởng lợi lớn khi công ty này ăn nên làm ra.

Năm 2016, cũng chính Masan của ông Nguyễn Đăng Quang là doanh nghiệp nội chơi bài ngửa và ngăn được sự bành trướng của khối ngoại trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Khi đó, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco) - thuộc Masan Nutri Science (MNS) đã vượt qua CJ CheilJedang của Hàn Quốc (“người anh em” của Samsung) để giành được quyền mua và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), qua đó giúp MNS tiếp cận vị thế dẫn đầu.

Xa hơn, MNS cũng chính là doanh nghiệp nội đã thâu tóm hai thương hiệu nổi tiếng Proconco từ liên doanh giữa Pháp và Việt Nam (với nhãn hiệu thức ăn Con Cò) và Anco từ liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam. Đây là hai nhãn hiệu thức ăn duy nhất mà các nhà chăn nuôi khi sử dụng sẽ dễ dàng được chấp nhận vào thẳng thị trường Mỹ.

Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng (Năng Do Thái) cũng về với cổ đông Việt và trở thành DN hàng đầu trong lĩnh vực đá nhân tạo và có lợi nhuận thuộc top đầu trên TTCK.

Khoảng 1 thập kỷ trước, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn ở trong tình trạng nóng rực với sự xâm nhập của các tập đoàn lớn đến từ Thái, Hàn, Nhật, Pháp,... Trong nhiều năm, sân chơi bán lẻ gần như thuộc về các ông lớn nước ngoài, như Metro (Đức), Big C (Pháp rồi chuyển cho Thái), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật)... và áp đảo hoàn toàn những thương hiệu thuần Việt như FiviMart, Intimex hay Hapro.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, hệ thống bán lẻ Vinmart nay là Winmart của Masan, hay Thế Giới Di Động... mới chiếm lĩnh thị trường.

Còn ở mảng nông nghiệp, CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, nay là Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và cổ đông ngoại Vina Capital cũng từng bất đồng về định hướng kinh doanh. VinaCapital sau đó đã thoái vốn, còn Lộc Trời phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, trở thành ông lớn số 1 trên thị trường lúa gạo Việt Nam.

Vị thế dẫn đầu của Tập đoàn CP thuộc tỷ phú USD người Thái Chearavanont cũng bị lung lay hơn bao giờ hết, khi Masan ra mắt Masan MeatLife, tấn công vào thị trường thịt lợn 10 tỷ USD với công nghệ thịt mát của châu Âu. CTCP Masan MeatLife (MML) cũng đã đưa cổ phiếu lên sàn với vốn hóa 1 tỷ USD.

Sự vươn lên của các tập đoàn nội trước các ông lớn ngoại là tín hiệu lạc quan cho thấy sự lớn mạnh của cộng đồng DN Việt trong cuộc chiến, trước hết tại thị trường nội địa, sau đó là kỳ vọng và sự phát triển ra khu vực và thế giới. Đây cũng là động lực đưa nền kinh tế phát triển, thay đổi từ quy mô dần sang về chất.

M. Hà

Cuộc chiến suốt 10 năm: Đại gia Việt trụ lại, ông lớn Hàn tháo chạy

Cuộc chiến suốt 10 năm: Đại gia Việt trụ lại, ông lớn Hàn tháo chạy

Cuộc chiến kéo dài 10 năm giữa một doanh nghiệp Việt với ông lớn Hàn Quốc đã tới hồi kết sau khi đại diện của ông Nguyễn Duy Hưng có bước đi quyết định và Lotte dừng cuộc chơi.