Lời tòa soạn: Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng nhưng thực tế vẫn có nhiều người “sập bẫy”. VietNamNet phản ánh những câu chuyện cụ thể từ chính các nạn nhân, một lần nữa cảnh báo chi tiết các dạng thức lừa đảo để mọi người phòng tránh.

Đấu trí trên mạng

Xâu chuỗi nhiều chuyên án được triệt phá, Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn – Đội trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM&PCTP) sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận ra rằng, trong quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, có nhiều đối tượng có trình độ công nghệ thông tin rất “siêu”.

Điều tra viên Phòng ANM&PTCP sử dụng công nghệ cao đấu tranh với đối tượng Lê Thanh Phụng. Ảnh: CACC

Đầu tháng 10/2021, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt giữ đối tượng Lê Thanh Phụng (SN 2003, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 8 tỷ đồng.

Thượng tá Mai Văn Toàn - Trưởng Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, dù tuổi đời còn trẻ nhưng thủ đoạn phạm tội của Lê Thanh Phụng rất chuyên nghiệp.

Phụng đã lập Facebook ảo là “Tommy Le” để tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên Chúa và kết bạn với các tu sĩ cũng như những người trong nhóm. Sau đó, đối tượng nhắn tin rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện.

Khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng gửi đường link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu để xác nhận nhận tiền. Lúc này, tất cả thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của nạn nhân đều được gửi về tài khoản email do Lê Thanh Phụng quản lý. Sau đó đối tượng đăng nhập vào tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền.

Lê Thanh Phụng chỉ là một trong số nhiều đối tượng phạm tội bằng công nghệ cao bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế điều tra, bắt giữ thời gian qua. Ảnh: CACC

Kể về hành trình phá vụ án Lê Thanh Phụng, các trinh sát tỏ ra lo ngại nhất khi đối tượng rất am hiểu về quy trình của ngân hàng từ đăng nhập, xác thực OTP, bảo mật 2 lớp… nhằm chiếm quyền tài khoản ngân hàng của bị hại. 

Vì vậy, ngay sau khi chiếm đoạt được tài khoản, ngoài việc lấy hết tiền trong tài khoản của bị hại, đối tượng Phụng cùng đồng bọn còn sử dụng chính các tài khoản đó làm tài khoản trung gian để luân chuyển dòng tiền bất hợp pháp.

Chúng đã rửa tiền một cách chuyên nghiệp bằng cách sử dụng số tiền chiếm đoạt được chuyển vào nhóm đối tượng chuyên làm dịch vụ đổi điểm game online lấy tiền. 

“Quá trình giải mã tội phạm trong vụ án này, dấu vết để lại trên môi trường mạng ngày càng ít và khó khăn trong việc phân tích, bởi đối tượng dùng hoàn toàn ID giả, Facebook giả, điện thoại sim rác, thực hiện hành vi ở các điểm kết nối Internet công cộng…

Đồng thời, đối tượng sử dụng các phần mềm, thiết bị chuyên dụng để xóa dấu vết khi thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, những vụ việc này chưa bao giờ khiến các “chiến sĩ bàn phím” nản lòng bởi số đơn “cầu cứu” của các bị hại ngày càng dày lên”, Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn chia sẻ.

'Giải mã' tội phạm công nghệ cao

Cũng theo lãnh đạo Phòng ANM&PCTP sử dụng công nghệ cao, trong giai đoạn hiện nay, với sự bùng nổ của mạng Internet, các nhóm đối tượng phạm tội trực tuyến hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn và ngày càng quy mô hơn.

Kẻ phạm tội thường hướng tới những người có kiến thức hạn hẹp về công nghệ, người nhiều tuổi… Một khi “sập bẫy”, nạn nhân không chỉ bị lừa mất tình, tiền, tài sản mà còn có thể trở thành “con nợ” bị các đối tượng phạm tội khống chế.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng.

Thượng tá Mai Văn Toàn khẳng định, khác với các loại tội phạm khác, tội phạm công nghệ cao đều là những đối tượng trẻ tuổi, có trình độ nhất định về công nghệ thông tin và ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn mới, tinh ranh chuyên nghiệp. Vì vậy, có rất nhiều vụ, số bị hại lên đến hàng trăm người với số tiền bị chiếm đoạt hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng.

Vì vậy, để “giải mã” được một vụ án, đòi hỏi mỗi trinh sát công nghệ cao phải thu thập tài liệu chứng cứ tỉ mỉ khoa học trên môi trường mạng, từ những dấu vết nhỏ nhất, có vụ khối lượng dữ liệu thu thập cực kỳ lớn (hàng trăm Terabyte mỗi giờ). 

Đồng thời, áp dụng đồng bộ khoa học, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành công an và trình độ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình trinh sát, xác minh cho đến khi bắt giữ, đấu tranh với tội phạm.

Có thể nói rằng, cuộc chiến chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vô cùng gian khó nhưng các trinh sát công nghệ cao vẫn luôn quyết tâm vượt qua để ngăn chặn những tên tội phạm “tàng hình”, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Kỳ cuối: Bộ Công an: Tội phạm lừa đảo trên mạng rất tinh vi, người dân cảnh giác cao độ