Lời tòa soạn: Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng nhưng thực tế vẫn có nhiều người “sập bẫy”. VietNamNet phản ánh những câu chuyện cụ thể từ chính các nạn nhân, một lần nữa cảnh báo chi tiết các dạng thức lừa đảo để mọi người phòng tránh. |
Mất tiền tỷ chỉ sau cuộc gọi
Đầu tháng 8/2022, chị N.T.H.T (SN 1983, trú tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ số 02471098935 với nội dung thông báo chị có liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại giao lộ Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương.
Khi chị T. trả lời không biết gì đến vụ việc thì được thông báo thông tin cá nhân của chị đã bị lộ nên sẽ được chuyển máy đến Công an TP Đà Nẵng để được hỗ trợ.
Sau khi chuyển máy, một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và hướng dẫn chị tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về để khai báo.
Chị T. làm theo hướng dẫn và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm vừa tải. Chỉ sau 2 giờ, tài khoản ngân hàng của chị T. bị trừ 7 lần với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 11/2022, cũng với hình thức nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng công an yêu cầu "hợp tác điều tra" liên quan đến vụ án, tài khoản 3 người phụ nữ ở Đà Nẵng bị “bốc hơi” hơn 4,6 tỷ đồng.
Chỉ qua một số thao tác trên điện thoại, máy tính, các đối tượng lừa đảo đã rút sạch tiền trong tài khoản của 3 nạn nhân. Người ít thì hơn 1 tỷ đồng, người nhiều 2,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, người nước ngoài sinh sống ở Đà Nẵng cũng bị lừa tiền. Vào tháng 2/2022, anh Frances Summer Dale (20 tuổi, quốc tịch Philippines, tạm trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) bị lừa đảo qua mạng với số tiền 220 triệu đồng, trong 3 ngày.
Nguyên do, trong lúc sử dụng mạng xã hội Instagram, anh Dale thấy một đường link trang web có nội dung tuyển dụng nên nhấn vào xem, tìm kiếm cơ hội việc làm. Sau đó anh được một tài khoản tên Thanh mời anh làm "đại lý bán hàng" cho một sàn thương mại điện tử.
Để hoàn thành các thủ tục, Thanh gửi nhiều đường link khác để anh Dale điền các thông tin, đồng thời hướng dẫn anh chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Sau khi anh Dale chuyển tiền thì người tên Thanh này bất ngờ cắt liên lạc.
Thủ đoạn tinh vi
Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Lê Cao Tâm -Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Đà Nẵng đánh giá, thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng hiện nay rất đa dạng và tinh vi.
Thượng tá Tâm cho biết, có 3 phương thức lừa đảo chủ yếu hiện nay là lừa cộng tác viên bán hàng; lừa qua việc giả danh cơ quan thi hành công vụ và kinh doanh đầu tư tài chính; ngoài ra còn có hack Facebook giả danh người quen để đề nghị chuyển tiền.
Các hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết. Mặt khác, loại hình tội phạm này có cả đường dây trong và ngoài nước, phối hợp với nhau rất chặt chẽ, nhắm tới những người nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết.
Theo Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, dù đã tuyên truyền, thông tin cảnh báo nhưng thời gian qua nhiều phụ nữ, thậm chí người nước ngoài bị lừa
“Có thủ đoạn như các đối tượng tiếp cận làm quen lấy lòng tin, lâu ngày thì nhờ cầm giúp tài khoản để đầu tư. Khi nạn nhân đầu tư thời gian thấy sinh lời thì đối tượng lừa đảo mới dụ thêm để đầu tư, đến khi nạn nhân mất cảnh giác thì bị lừa.
Hoặc một số người dân bị lừa qua Facebook chủ quan cứ nghĩ người nhà, không xác minh trực tiếp. Thậm chí, có trường hợp bị lừa qua Facebook trình báo là đối tượng lừa đảo giả cả giọng nói, giả luôn video có mặt người quen…”, Thượng tá Tâm thông tin.
Thượng tá Tâm cho biết, hiện nay công an thành phố đã lập trang “An ninh mạng Công an TP Đà Nẵng” và trang zalo để thường xuyên cung cấp hình thức, thủ đoạn của các loại đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, cũng như các biện pháp phòng ngừa để người dân nắm.
Đồng thời khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi trên mạng. Khi gặp những trường hợp tương tự thì không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các đối tượng, sau đó cần đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý, khi cơ quan chức năng cần làm việc thì sẽ có giấy mời để trực tiếp làm việc và không làm việc qua điện thoại. Khi nộp tiền nên đến cơ quan quy định, nếu có người nhắn tin qua Facebook mượn tiền cần xác minh trực tiếp.
Theo Bộ Công an, tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Trong đó, nhóm 1: Giả mạo thương hiệu có 2 hình thức lừa đảo như giả mạo thương hiệu của các tổ chức để gửi SMS lừa đảo cho nạn nhân. Giả mạo các trang web/blog chính thống tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân. Nhóm 2: Chiếm đoạt tài khoản có 2 hình thức lừa đảo như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền… Nhóm 3: Các hình thức kết hợp có 12 hình thức lừa đảo như sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ….) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông…để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết. Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người dùng trên Facebook, Telegram, Zalo để tạo uy tín và lừa nạn nhân sử dụng dịch vụ hoặc đầu tư… |
Bài 2: Cạm bẫy từ những cam kết thu lợi lớn trên Internet