Thời gian qua, đã có rất nhiều đường dây mua bán người bị cơ quan chức năng bóc gỡ, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật và nhiều nạn nhân đã được lực lượng công an giải cứu trở về.

Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc mua bán người rất lớn, nhiều đường dây phạm tội vẫn âm thầm hoạt động và có những phương thức, thủ đoạn biến tướng khác, tinh vi hơn. Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người vẫn hết sức cam go.

{keywords}
Người dân biên giới ký cam kết về phòng, chống mua bán người. 

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an còn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mọi người dân. Một trong những biện pháp cần tiếp tục đẩy mạnh là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến quý 1/2021, tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 150 vụ lừa bán hơn 200 nạn nhân ra nước ngoài. Tuy nhiên, 97% số nạn nhân này có trình độ văn hóa thấp, có đến 26% nạn nhân không biết chữ. Họ tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc gặp những éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống và rất nhẹ dạ, cả tin…

Một trong các biện pháp tuyên truyền thiết thực là phải tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương. Họ chính là cánh tay nối dài của lực lượng công an trong việc tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới của bọn mua bán người đến từng bản làng, người dân, đặc biệt là những người cả đời chưa bước chân ra khỏi bản, chưa biết đến cái chữ, đến điện sáng, tivi để tiếp cận các phương thức truyền thông hiện đại hơn. Từ đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác và cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của các đối tượng có khả năng, điều kiện phạm tội mua bán người cho lực lượng công an.

Đã có nhiều tổ chức đoàn thể ở các địa phương tích cực hỗ trợ các nạn nhân trở về, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào Cai đã xây dựng mô hình Điểm sáng biên giới tại các xã biên giới, duy trì mô hình Câu lạc bộ Bạn giúp bạn tại các địa bàn trọng điểm buôn bán phụ nữ, đồng thời quan tâm giúp đỡ các nạn nhân việc làm để hòa nhập cộng đồng... Tuy nhiên, các hoạt động, mô hình trợ giúp nói trên vẫn còn chưa phủ rộng ở nhiều nơi, nhiều tỉnh.

Trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực của lựclượng công an trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, rất cần sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể trong công tác trợ giúp, hỗ trợ cho các nạn nhân của tội phạm mua bán người trở về, để họ không phải mặc cảm với quãng đời tăm tối của mình và hướng tới một cuộc sống ổn định, có tương lai hơn.

Để giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, các tỉnh, thành cần triển khai chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người. Cụ thể như hỗ trợ các khoản tín dụng lãi suất thấp cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đào tạo kỹ năng, dạy nghề để bảo đảm việc làm ổn định, khôi phục các làng nghề truyền thống…

Đồng thời tích cực trợ giúp xã hội đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gắn việc giáo dục kiến thức văn hóa cho học sinh với việc giáo dục các kỹ năng sống để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại.

Song song đó, cần xây dựng làng, xã, phường, khu dân cư văn hóa, không có tệ nạn xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân và coi đây là biện pháp có tính nền tảng, bền vững trong phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Đức Yên