Hayami Gyoshu (1894 - 1935) là nghệ sĩ nihonga nổi tiếng đã tạo ra nhiều kiệt tác sử dụng vàng làm chất liệu. Tuổi đời ngắn ngủi nhưng họa sĩ tài danh người Nhật Bản vẫn để lại không ít tác phẩm có kỹ thuật độc đáo. 

Bức họa 'Những cánh hoa trà rơi' với nền làm từ vàng

Sáng tạo kỹ thuật rắc vàng vẽ tranh

Thuật ngữ 'nihonga', nghĩa đen là “hội họa Nhật Bản”, xuất hiện vào gần cuối thế kỷ 19 để phân biệt với hội họa du nhập từ phương Tây. Nihonga dựa trên các kỹ thuật và phong cách truyền thống của hội họa Nhật Bản. 

Một đặc điểm nhận diện của tranh nihonga là chất liệu. Bột màu làm từ khoáng chất nghiền mịn, mực sumi, vàng lá kết dính nhờ keo nikawa trên giấy washi hoặc lụa. 

Theo Gov-online, Gyoshu là nghệ sĩ nihonga nổi tiếng ở Nhật Bản. Ba tác phẩm được biết tới nhiều nhất của ông là: Khiêu vũ trong lửa, Rêu lam Cỏ lụcNhững cánh hoa trà rơi. 

Bức Những cánh hoa trà rơi được công nhận là 'Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản'. Gyoshu đã sử dụng kỹ thuật của riêng ông vào thời điểm đó có tên gọi makitsubushi: Lá vàng được cho vào ống tre, nghiền thành bột rồi rắc lên giấy washi có phủ keo. Sau đó, ông vẽ tiếp cây hoa trà cổ thụ với những cánh hoa khẽ bay trong gió.  

Khi còn trẻ, Gyoshu đã học kỹ thuật sơn mài makie-e. Đây có thể là nguồn cảm hứng cho ông sáng tạo kỹ thuật makitsubushi. Làm theo cách này, lượng vàng sử dụng cao gấp 5-6 lần so với dán lá vàng lên cùng một diện tích. Đó là một kỹ thuật cực kỳ xa xỉ. 

Bức bình phong 'Rêu lam Cỏ lục'

Bức Khiêu vũ trong lửa cũng được công nhận là 'Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản' và in lên tem vào năm 1979. Để vẽ bức tranh này, trong suốt 3 tháng, Gyoshu đốt lửa trại mỗi đêm để quan sát ngọn lửa cũng như những con bướm đêm bị ánh sáng thu hút. 

Họa sĩ dùng bột màu kindei - bột vàng được trộn với keo và nước. Ông khắc họa những tia lửa bập bùng trong bóng tối và bướm bay rập rờn. 

Trong khi đó, Rêu lam Cỏ lục là bức bình phong gấp, bề mặt được phủ những lá vàng siêu mỏng. 

Một số tranh khổ dọc của Gyoshu

Nghệ sĩ tài hoa đoản mệnh

Gyoshu sinh ra ở Tokyo, bắt đầu theo đuổi hội họa truyền thống từ năm 15 tuổi. Hai năm sau, Gyoshu được mời tham gia nhóm nghệ sĩ trẻ hàng đầu. 

Với sự hồi sinh của Học viện Mỹ thuật Nhật Bản, Gyoshu trở thành một trong những người sáng lập. Phong cách của ông phát triển theo hướng hiện thực chi tiết, các tác phẩm sau này dần theo hướng Tượng trưng.

Gyoshu phải cắt bỏ một chân do bị tàu đâm vào năm 1919. Nhưng tai nạn không ảnh hưởng đến đam mê nghệ thuật của ông. Họa sĩ cống hiến hết mình cho sáng tạo, gửi nhiều tác phẩm đến triển lãm ở Nhật cũng như trưng bày tại châu Âu năm 1930. Những tác phẩm vẽ hoa và chim theo phong cách tranh mực Ấn Độ và các bức chân dung của ông được giới phê bình nghệ thuật đón nhận nồng nhiệt.

Chân dung và tem in hình Gyoshu. Ảnh: Colnect

Gữa lúc ở đỉnh cao sáng tạo, Gyoshu mất vì bệnh thương hàn năm 1935. “Gyoshu đột ngột qua đời ở tuổi 41, thời gian làm nghệ thuật của ông chỉ hơn 20 năm. Trong cả cuộc đời, ông luôn thử nghiệm những phương tiện biểu đạt mới, thay đổi đáng kể phong cách và kỹ thuật”, Yamazaki Taeko, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Yamatane và là nhà nghiên cứu về Gyoshu, đánh giá. 

Năm 1994, hình ảnh của Gyoshu được in trên tem bưu chính chủ đề "Các nhà tiên phong văn hóa" của Bưu điện Nhật Bản. Hiện tại, Bảo tàng Nghệ thuật Yamatane ở trung tâm Tokyo lưu giữ hơn 1.800 tác phẩm nihonga, trong đó có 120 bức của Gyoshu.