(VietNamNet) - Quan điểm phương Đông là sự cân bằng và hài hòa của thế giới, sự khởi nguồn của tạo hóa, năng lượng và vòng tròn tương sinh, tương khắc...

TIN BÀI KHÁC

Những dây màu kỳ lạ trong triển lãm
Triển lãm tranh chất độc da cam gây tiếng vang tại Đức
Choáng ngợp với không gian đương đại tại triển lãm Manga

Triển lãm thú vị mang tên "Từ Đức tới Việt Nam - đối thoại mỹ thuật" của 2 họa sĩ Việt và 3 họa sĩ Đức vừa khai mạc hôm 21/6 tại TP.HCM.

Triển lãm trưng bày hơn 40 tác phẩm của 5 nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Trần Thùy Linh, Hertha Miessner, Traude Linhardt và Susanne Wackerbauer. "Từ Đức tới Việt Nam - đối thoại mỹ thuật" là cuộc kết nối nhiều phong cách mỹ thuật riêng biệt, độc lập nhau nhưng cũng gần gũi với nhau.

Hertha Miessner áp dụng một cách sáng tạo yếu tố màu sắc, ánh sáng, không gian
trong hội họa vào tác phẩm nhiếp ảnh, tạo nên sự sang trọng, bí ẩn cho tác phẩm.
Trên các phông màu tối, ánh sáng xuất hiện một cách bí ẩn, các nếp xếp và nếp gấp,
tạo cảm giác chiều sâu không gian, hình khối của vật chất

Các tác phẩm hội họa - lụa, màu nước, sơn dầu, collage nhiếp ảnh kỹ thuật số và điêu khắc trong triển lãm đều có ngôn ngữ và cách biểu đạt riêng biệt tạo nên những cảm xúc và suy tưởng khác nhau. Nhưng có một ngôn ngữ chung - ngôn ngữ của hội họa và nghệ thuật, xuất phát từ nhiều quan điểm riêng, được phát triển một cách đa dạng và sống động.

Trần Thùy Linh với những tác phẩm mang tư tưởng phương Đông rõ nét. Quan điểm
phương Đông về sự cân bằng và hài hòa của thế giới, sự khởi nguồn của tạo hóa,
năng lượng và vòng tròn tương sinh, tương khắc được Thùy Linh thể hiện bằng
những đề tài mang tính triết lý của Phật giáo, Lão giáo

Triển lãm mang ý nghĩa của sự xếp đặt cạnh nhau, không chỉ về kỹ thuật, chất liệu khác nhau giữa các nghệ sĩ Đức và Việt Nam, mà còn cho thấy sự khác biệt trong hình thái tiếp cận vấn đề của hai nền văn hóa. Với phương Tây, đó là việc sử dụng tất cả kỹ thuật, chất liệu mới và sẵn có vào tác phẩm nhằm tạo ra một ngôn ngữ diễn đạt mới.

Tác phẩm điêu khắc của Traude Linhardt làm từ bao nilon, cọng kẽm, giấy, băng nhựa...
những vật dụng không còn giá trị sử dụng, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật với
ý nghĩa sâu sắc. Những chiếc áo giáp nói lên những cặp đôi khái niệm về rỗng và đặc,
bảo vệ hoặc che đậy, mang dấu ấn của nền nghệ thuật cổ xưa

Còn tư duy phương Đông, đó là sự khám phá thế giới nội tâm chủ thể, cũng như những đối đầu với thế giới bên ngòai. Một quá trình mà trong đó giá trị tư tưởng chiếm vị trí tối thượng, thông qua nghệ thuật là công cụ biểu đạt quan điểm cá nhân và thẩm mỹ.

Nguyễn Thị Tâm với các tác phẩm có đề tài là những khái niệm mang ý nghĩa
trái ngược nhau, nhưng tạo nên sự hài hòa của thế giới như: cao và thấp, tinh thần
và vật chất, sống và chết... Đó chính là sự đối thoại của chính tác giả mang tính
triết lý về thế giới quan và nhân sinh quan và về chính bản thân mình

"Tôi cho rằng, các tác phẩm cho thấy sự đa dạng của các nền văn hóa với những giá trị riêng biệt. Cuộc triển lãm này trình bày sự khác biệt văn hóa đó, đồng thời mở ra cánh cửa đối thoại và giao lưu một cách hiệu quả trong văn hóa và nghệ thuật", Tổng lãnh sự CHLB Đức, Conrad Cappell khẳng định.

Đam mê nhiều loại hình nghệ thuật, bằng các chất liệu chì màu, arcrylics trên giấy
folie, sơn trên kẽm, Susanne Wackerbauer muốn gợi đến một sự liên tưởng,
những hồi ức, thông điệp cá nhân bằng hình ảnh cây trái với những yếu tố mang
tính kiến trúc và điêu khắc

Sự khác biệt cơ bản giữa các nền văn hóa là nội dung chính của cuộc triển lãm. Chính sự khác biệt, mà vẫn bao hàm tính kết nối đó, làm nên tính chất đặc biệt của nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển các mối liên hệ với mỹ thuật và vượt ra ngoài mỹ thuật.

Các nữ họa sĩ Việt Nam và Đức trong buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: Long Hà

Vì vậy, đối với các nữ họa sĩ, triển lãm này là một cuộc đối thoại, nơi họ có cơ hội thể hiện tiếng nói của riêng mình thông qua chủ đề tư tưởng, kỹ thuật và chất liệu khác nhau. Đối với công chúng, triển lãm là cuộc gặp gỡ thú vị giữa họ với những quan điểm khác biệt về mỹ thuật từ hai nền văn hóa Đông - Tây trong một thế giới toàn cầu hóa.

Long Hà