Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến và Công ty Văn hoá & truyền thông Nhã Nam vừa tổ chức ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn (NXB Hội nhà văn - 2024).

z5566099013042_85037fe6a69f79300354e5e7e54daee6 (1).jpg
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến (áo trắng) và khách mời tại lễ ra mắt sách. 

Sách thơ khá dày dặn với gần 270 trang, được chia làm 5 chương (Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên), mang đến hình dung về những chặng đường đời và thơ đa sắc màu của tác giả.

Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì và phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Tuy nhiên, những bài thơ được chọn để đưa vào tập sách chỉ là một phần trong vườn thơ sum suê của Nguyễn Vĩnh Tiến, vì thế rất khó để nói ráo riết tận cùng về thơ anh.

Hỗn độn và khu vườn 04 (1).jpg

Chia sẻ với VietNamNet về tập thơ mới, tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến cho hay: “Đây là một ý tưởng ngẫu nhiên dựa trên một tập trường ca trùng tên do tôi viết năm 20 tuổi. “Hỗn độn” chính là cuộc đời của tôi, hỗn độn từ danh xưng, nghề nghiệp tới tình ái và cảm xúc, lúc nào cũng hỗn độn. “Khu vườn” lại là khát khao, ước ao được sống. Nói một cách khái quát, khu vườn ở đây là thiên nhiên, là trái đất, là một vùng nguyên sơ để mình trở về”.

“Tôi được truyền cảm hứng từ khái niệm Entropy (hệ thống hỗn loạn). Khi bạn càng nỗ lực tạo ra một trật tự sắp xếp mới thì hằng số Entropy lại tăng, đồng nghĩa với sự hỗn độn lại càng lớn. Vậy tại sao con người lại sử dụng lý trí để nghiên cứu về triết học, tự nhiên... và cố gắng sắp xếp nó thành kiến thức? Từ những suy nghĩ triết học này, tôi nhận thấy nỗ lực của con người lý giải những “hỗn loạn” ấy thật nhỏ nhoi.

Chúng ta không ngừng làm khổ nhau: tàn phá môi trường, chiến tranh liên miên... Như vậy, trong khu vườn, phải chăng con người là những sinh vật ngốc nghếch khi mãi mãi thiếu đi sự hoà thuận? Liệu đó có phải một quy luật tất yếu về con người hay không? Đó là câu hỏi và cũng là nguồn cảm hứng để tôi đặt tên tập thơ mới”, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến nói thêm.

z5566109780248_31b85a61f748f931e73d9b3cd776f668 (1).jpg
Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến và con gái. 

Anh nhấn mạnh: “Tâm thức con người không tĩnh lặng, người ở một nơi nhưng hồn phách lại ở nơi khác. Chúng ta theo đuổi các mục tiêu không thực tế, song chính sự xa vời ấy lại trở thành động lực giúp vươn xa. Tôi muốn dừng lại quan sát và phân tích những gì tinh tuý nhất. Đó là con người, quê hương, gia đình, sự tồn tại của một đời người là những ký ức đẹp đẽ nhất đang bị tàn phá và mất dần đi. Và tôi cố gắng níu giữ bằng cách mô tả và viết về chúng.

Đối với một nghệ sĩ, chỉ khi nào tiếng lòng, âm thanh của trái tim, tâm hồn và trí tuệ được cất lên thì giá trị mới được tạo ra. Đó mới là điều quý giá và đáng trân trọng nhất”.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet “Thơ với anh là một cuộc dạo chơi cùng ngôn từ?”, tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng: “Đây không phải là một cuộc dạo chơi, cũng không phải một công việc nghiêm túc. Tôi nghĩ thơ chính là đời sống, là phát ngôn của một “con người thơ”.

Khi tôi sáng tác, tất cả những con người trong tôi: kiến trúc sư, nhạc sĩ... đều hoà trộn vào khoảnh khắc ấy và thể hiện ra từng lời thơ. Âm nhạc cũng vậy, chất thơ ẩn giấu trong từng lời, do vậy mà từ lời thơ lại có thể biến thành một bài nhạc. Ngược lại, với kiến trúc cũng tương tự. Kiến trúc không phải xây dựng, kiến trúc sư không phải là thợ xây. Kiến trúc cũng là một không gian đầy chất thơ và lãng mạn, phải được tạo ra từ một “con người kiến trúc". 

Tại buổi ra mắt sách, nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu bày tỏ: “Tôi dõi theo và cảm thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến bắt đầu từ trước khi anh ra mắt tập Những bình minh khác (NXB Hội nhà văn, 2001). Khi đọc những tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi cảm giác anh là người có khả năng tách bản thân khỏi sự vật, nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Và trong thế giới tuổi thơ ấy, có chú bé trung du rất đặc biệt. Dù tác giả có đi đâu, có rơi vào trầm cảm nơi phố thị... mặc cho mọi sự hỗn độn, hình ảnh chú bé trung du đó giống như một hằng số trong thơ anh”.

nguyenvinhtien.jpg
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa nhận định: "Nguyễn Vĩnh Tiến đến với thơ từ năm 8 tuổi, và hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kiến trúc - văn chương - âm nhạc, với một sức viết mạnh mẽ rất mực, tài hoa rất mực. Đó là người của những chuyến viễn du, nhưng lại không bao giờ quên mang theo chiếc vali nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở.

Đọc Nguyễn Vĩnh Tiến, nghe Nguyễn Vĩnh Tiến, ta dễ dàng trông thấy hồn thơ ngập tràn thành lũ, thành sông. Thấy chữ xếp thành đường làng. Thấy hồn thơ vững vàng đứng lẫn vào bóng núi, bóng trung du".

Cộng trừ nhân chia

Phép cộng thì sướng

Phép trừ thì đau

Phép nhân là của nhiệm màu

Phép chia thì của chuyến tàu rời ga

Đời là cõi tạm thôi mà

Uống canh Mạnh Bà thì hết cửu chương

Buồn buồn nhớ nhớ thương thương

Cả ba cộng lại bằng buông tay thiền

Tỉnh tỉnh cộng với điên điên

Bằng anh hùng mất thuyền quyên rã rời

Thôi ngồi chăm ngọn mùng tơi

Nấu canh giải độc, giữ lời sầu riêng...

(Bài Cộng trừ nhân chia, trích trong tập thơ Hỗn độn và khu vườn)

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến diễn ngôn thơ của mình:

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến nguyên là Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Chu Văn An, hiện vẫn tham gia các hoạt động về kiến trúc và quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.

Ở lĩnh vực âm nhạc, anh làm nên tên tuổi từ rất sớm với giải Quán quân Bài hát Việt 2005 với ca khúc Bà tôi.

Là một nhà thơ, anh đã xuất bản nhiều tập thơ, đạt nhiều giải thưởng về thơ và truyện ngắn. Anh sáng lập nhóm thơ Hoa lạ vào năm 1992, chủ trương đổi mới thơ, đi sâu vào “những phi lý” giao thoa các sự vật, hiện tượng trong đời sống. Thơ của Nguyễn Vĩnh Tiến độc đáo vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng.

Ảnh, clip: Linh Đan