Công nhận sự tài tình của Biệt động Sài Gòn
Vốn là một cựu nhân viên tình báo Mỹ, Mike (tên thường gọi của ông) khá thận trọng khi trả lời các câu hỏi. Nhưng qua giọng kể, Mike như sống lại quãng đời binh nghiệp không thể quên.
Mở đầu, ánh mắt Mike nhìn xa xăm: “Việt Nam là một nơi đặc biệt. Tôi đã đến đây vào năm 1968 tham gia thẩm vấn những tù nhân chính trị tại nhà tù Côn Đảo và gặp rất nhiều tù nhân biệt động. Điều đó làm tôi nhớ mãi đến bây giờ, và có ấn tượng sâu đậm với Việt Nam”.
Năm 1966, Mike bị thôi học vì điểm kém tại trường Đại học tiểu bang Washington. Không còn được hoãn dịch, ông vào quân đội Hoa Kỳ, được điều về Fort Holabird, Maryland để huấn luyện trở thành phân tích viên tình báo và tra khảo viên.
Sau thời gian ngắn học tiếng Việt tại Texas, ông đến chiến trường Việt Nam năm 1968. Đóng quân tại Tiểu đoàn Tình báo quân sự 519, Mike làm việc với chức vụ tra khảo viên kiêm ngôn ngữ gia tại Trung tâm Thẩm vấn Quân sự hỗn hợp Sài Gòn - Chợ Lớn. Lúc này, những cuộc giao tranh ác liệt diễn ra liên tục.
Khi nhắc tới nhà tù Côn Đảo, ai cũng biết đây là “địa ngục trần gian” của những người tù chính trị. Họ bị gông cùm, tra tấn… để phải khai báo thông tin… Nhưng Mike là một người khác biệt.
Mike cho biết Hiệp định Genève 1954 có nói rõ, không cho phép tình báo sử dụng bạo lực với tù binh. Được đào tạo qua trường lớp để hỏi cung nên ông thấy bạo lực là không cần thiết. “Vũ khí giấu ở đâu?”, “Công việc của anh là gì?”, “Tổ chức của anh có bao nhiêu người?”... Đó là những câu hỏi chung mà những nhân viên tình báo như Mike đặt ra.
Mike kể, “họ trả lời và ngay lúc đó tôi không xác nhận thông tin trả lời đúng hay sai. Việc của tôi là ghi lại thông tin, báo cáo cho cấp trên kiểm chứng. Sau đó, so sánh thông tin của nhiều người có liên quan và đánh giá sự hợp lý’”.
“Không biết gì hết” - Mike buột miệng cười lớn khi được hỏi ấn tượng trong các cuộc thẩm vấn. Ông nói, “mọi tù binh đều đã lên kế hoạch trước, tất cả đều trả lời ‘tôi không biết’, có những người tôi còn không hỏi được gì”.
Từ các cuộc thẩm vấn, Mike phân tích và nhận thấy rằng số lượng Việt cộng và mặt trận của họ trên thực tế nhiều hơn báo cáo của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, báo cáo này của Mike bị cấp trên bác bỏ, họ không tin và cho rằng Mike nói dối. Hành động này để giữ niềm tin rằng Mỹ sẽ thắng. Theo một thống kê vào thời điểm đó, tiềm lực về kinh tế và quân sự của Mỹ mạnh hơn Việt Nam gấp 800 lần.
Sở dĩ đồng đội của Mike có cái nhìn khác vì tiểu đoàn của ông có bộ phận chuyên đếm thi thể người tị nạn và lính Việt cộng. “Họ đếm được số lượng rất lớn, chính vì vậy họ không tin còn nhiều Việt cộng nữa. Họ không tin vào những báo cáo của tôi cho biết còn rất nhiều người Việt Nam ngoài kia đang chiến đấu, đang tiếp tục mọc lên nhiều mặt trận ”, ông nói và vẫn giữ nguyên sự thất vọng cho đến giờ.
“Tôi công nhận mạng lưới tổ chức của Việt Nam rất tài tình, và chắc chắn là vô cùng phức tạp vì quân đội Mỹ luôn luôn cảm thấy khó khăn để có thể tìm được họ. Tài tình tới mức mà họ giả trang thành tài xế taxi, gái nhảy, người bán hàng rong… dưới vỏ bọc đó là những người chiến sỹ biệt động”.
“Tôi không biết, tôi chỉ là một người lính cống hiến cho đất nước”
Sau hơn 50 năm, Mike trở lại Việt Nam. Lần này, Mike tìm gặp những nhân chứng sống, thân nhân của những biệt động Sài Gòn mà ông từng hỏi cung, thẩm vấn. Mike tặng họ cuốn sách để đời của mình vừa được xuất bản tại Mỹ với tựa đề “Tiếng nói Miền Nam: Chuyện kể của các chiến sĩ Biệt Động của Mặt trận dân tộc giải phóng”, mà nhiều điều đến giờ chưa giải mã.
Ông chăm chú nhìn bà Đặng Thị Tuyết Mai (một giao liên đồng thời là người nuôi giấu chồng, một chiến sĩ biệt động có vai trò đào hầm giấu hàng tấn vũ khí chuẩn bị cho Tết Mậu Thân) và nói thêm: “Có những người lính Việt Nam sẵn sàng tham chiến dù họ là phụ nữ, trẻ em, người già, và dù họ không biết sử dụng vũ khí. Một điển hình là trong trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ Tết Mậu Thân 1968, có người là lao công, đầu bếp… chưa từng dùng vũ khí, nhưng hôm đó họ ôm súng AK, B40, đại liên chiến đấu”.
Mike thừa nhận, trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ dịp Tết Mậu Thân là trận đánh quan trọng bậc nhất, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến, làm lung lay tinh thần và suy nhược ý chí của lính Mỹ.
“Tôi không trực tiếp chứng kiến cuộc tấn công đó, chỉ nghe kể, nắm lại và sau đó đến thẩm vấn những người lính biệt động gây ra cuộc tấn công. Tâm trạng tôi cũng như những người lính Mỹ khác là rất sốc và bàng hoàng”, Mike nói. Ông là một trong năm nhân viên tình báo tham gia thẩm vấn Ba Đen (Ngô Thanh Vân, người chỉ huy 16 chiến sĩ biệt động đánh vào Đại sứ quán Mỹ). Đó là cuộc thẩm vấn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cựu tình báo Mỹ.
“Rất ngắn”, ông Mike kể, hôm đó bản thân ông và Ba Đen đều đã rất mệt và áp lực bởi ngoài cuộc tấn công đại sứ quán, còn vô số những điểm khác có nhiều lính Mỹ đóng quân như sân bay Tân Sơn Nhất, những tòa nhà và trại lính cũng là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Vì vậy, cuộc thẩm vấn diễn ra chóng vánh với các câu trả lời ngắn gọn, bản báo cáo cuộc thẩm tra Ba Đen cùng hai người khác nhanh chóng được chuyển đi phân tích.
“Tôi không biết, tôi chỉ là một người lính cống hiến cho đất nước”, Mike nhún vai trả lời khi được hỏi ông có nghĩ là người Mỹ sẽ thua sau Mậu Thân, đặc biệt là sau vụ Đại sứ quán - cơ quan đầu não của người Mỹ ở Việt Nam bị chọc thủng và chiếm giữ trong nhiều giờ. Nhưng ngay sau đó, ông kể lại nhận định của mình, rằng có lúc ông nghĩ người Mỹ sẽ không thể thắng vì trong các cuộc giao tranh tính đến trước tháng 6/1968 đã có 16.000 lính Mỹ tử trận, sau đó có thêm 3.000 người Mỹ nữa chết.
Tuyết Nguyễn