Dân tộc Cống là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng người ít nhất trong 19 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Địa bàn cư trú của dân tộc Cống hiện nay chỉ giới hạn tại 4 bản: Nậm Kè, Lả Chà, Búng Bon và Huổi Mon.
Sau quá trình thiên di lâu dài cuối cùng cũng chọn cho mình những vùng đất để định cư. Với đồng bào dân tộc Cống ở bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cuộc sống sau khi định cư đã thực sự thay đổi.
Giờ đây, không chỉ biết canh tác lúa nước đồng bào đã thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Hiện nay, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào trong bản đang nỗ lực vươn lên tích cực xóa đói giảm nghèo vươn lên trở thành một trong những cộng đồng dân cư đoàn kết và có bước phát triển vững chắc.
Bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé nằm cách trung tâm xã chỉ chừng 1km. Năm 1958, chỉ có vỏn vẹn 3 hộ gia đình. Sau này thấy điều kiện sinh hoạt thuận lợi, các hộ gia đình khác mới chuyển về đây cùng nhau sinh sống bên dòng suối Nậm Kè.
Những ngày đầu mới định cư, đồng bào vẫn sống dựa vào rừng, sống khép kín nên vô cùng khó khăn. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng bào dân tộc Thái, bà con trong bản cũng dần biết canh tác ruộng lúa nước và lấy đó làm phương thức sản xuất chủ đạo. Các chương trình dự án như 134, 135 đầu tư các công trình thiêt yếu và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Dần dần, với sự quan tâm của các cấp chính quyền. Các chính sách, chủ trương lớn của nhà nước được triển khai đầy đủ, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng bào dân tộc Thái, bà, bà con dân tộc Cống dần biết canh tác ruộng lúa nước và lấy đó làm phương thức sản xuất chủ đạo. Các chương trình dự án như 134, 135 và các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao các các công trình hạ tầng thiêt yếu, tạo ra lực để đồng bào Cống phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.
Bản người Cống bên dòng Nậm Kè giờ là nơi sinh tụ của 54 hộ gia đình với 320 nhân khẩu. Bà con cần cù, chăm chỉ gắn bó ruộng nương, phát triển chăn nuôi, trồng rau xanh tăng gia. Số hộ nghèo của bản hiện đã giảm xuống còn 17 hộ.
100% hộ gia đình có nhà ở vững chãi, không còn hộ nào phải sống trong nhà tranh tre dột nát. Điện đã về bản, lớp học được xây dựng, 100% trẻ em được đến trường. Cuộc sống của người công đã lạc nghiệp sau quyết định lịch sử- an cư.
Việc xây dựng, phát triển cộng đồng dân tộc của đồng bào Cống càng có thêm động lực khi cuối năm 2021, Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" được triển khai. Nhiều nội dung, nhiều hạng mục công trình dự kiến được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành thực sự sẽ làm thay đổi diện mạo, mang lại lợi ích to lớn cho đồng bào.
Theo đề án, bản sẽ được đầu tư 1 công trình đường giao thông với kinh phí 5 tỷ đồng, 1 công trình thủy lợi với năng lực tưới 30ha trị giá 7 tỷ đồng, 1 công trình nước sinh hoạt 2,5 tỷ đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng... và trong thực tế bà con hết sức mong chờ các công trình này của dự án. Quan trọng nhất là việc nhựa hóa con đường từ Quốc lộ 4H vào bản. Đây là con đường huyết mạch của bản khi được đầu tư không những phục vụ nhu cầu của bản Nậm Kè mà còn phục vụ nhân dân các bản Huổi Thanh 1, Huổi Thanh 2...
Bên cạnh đó, đầu tư về công trình nước sinh hoạt tập trung cũng là một nhu cầu cấp thiết của bà con trong bản.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng bào dân tộc Cống bản Nậm Kè cũng ý thức rất rõ việc giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thanh Bình, Đình Thành, Minh Hưng, Nguyễn Thảo, Huyền Sâm