- Tại phiên tòa xét xử sáng nay, Lê Duy Phong khai đã khắc phục số tiền 200 triệu đồng chiếm đoạt cho GĐ Sở KHĐT tỉnh Yên Bái.

Sáng nay, TAND TP Yên Bái mở phiên xét xử Lê Duy Phong tội danh “cưỡng đoạt tài sản” đối với bị hại là ông Vũ Xuân Sáng - GĐ Sở KHĐT tỉnh Yên Bái số tiền 200 triệu đồng và ông Hoàng Trung Thực số tiền 50 triệu đồng.  

{keywords}
Cựu nhà báo Lê Duy Phong tại phiên tòa sáng nay.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng TP Yên Bái, bị cáo Lê Duy Phong (SN 1985, tại Thanh Hoá), nguyên Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam đã lợi dụng nghề làm báo để cưỡng đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng - GĐ Sở KHĐT tỉnh Yên Bái và cưỡng đoạt 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực - người của công ty Hợp Thành Phát có trụ sở đóng tại TP Yên Bái.

Cơ quan quan tố tụng cáo buộc, vào các ngày 16/6/2017 và 22/6/2017, tại phòng làm việc của ông Vũ Xuân Sáng, Duy Phong với danh nghĩa là Trưởng ban Bạn đọc, báo Giáo dục Việt Nam đã lợi dụng quyền hạn của nhà báo và dùng lời nói đe doạ, uy hiếp về tinh thần để chiếm đoạt của ông Sáng số tiền 200 triệu đồng, chiếm đoạt của ông Hoàn Trung Thực số tiền 50 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lê Duy Phong khai nhận, đã dùng số tiền 200 triệu đồng cưỡng đoạt được của ông Sáng và chia cho 26 phóng viên, nhà báo và chi phí khác. Còn lại số tiền 70 triệu đồng, cựu nhà báo này gửi vào tài khoản ngân hàng của mình.  

{keywords}
Dẫn giải Lê Duy Phong tới phòng xử án.

Sau khi Phong khai chi tiền cho 26 phóng viên, nhà báo, cơ quan điều tra đã triệu tập 26 phóng viên, nhà báo để làm việc, trong đó có 25 phóng viên, nhà báo khai không nhận tiền của Lê Duy Phong; chỉ có duy nhất một phóng viên khai, Lê Duy Phong có đưa một phong bì 300 nghìn đồng tiền đám hiếu.

Quá trình điều tra, Lê Duy Phong đã thay đổi nội dung khai báo, theo đó Phong khai nhận đã tiêu xài hết số tiền 200 triệu đồng chiếm đoạt được của ông Sáng mà không chia cho các phóng viên, nhà báo nào.

Tại phiên tòa, khai nhận với HĐXX, Lê Duy Phong cho biết, mình không có hành vi tống tiền ông Vũ Xuân Sáng ngay từ đầu.

Theo đó, liên quan tới hai chiếc điện thoại là tang vật vụ án, trong đó một chiếc điện thoại được Phong sử dụng để liên hệ với ông Sáng về nội dung, GĐ Sở KHĐT tỉnh Yên Bái đang có một “biệt thự” được một tờ báo phản ánh, đưa tin.

Lê Duy Phong cho biết, khi sử dụng điện thoại này, Phong chưa có ý định tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng mà chỉ hẹn gặp để làm việc. Sau khi ông Sáng nhận lời làm việc với Phong vào sáng ngày hôm sau, Phong đưa ra thông tin có một bài viết trên báo và ông Sáng tỏ thái độ lo sợ, khi đó Phong mới có ý định chiếm đoạt tiền của GĐ Sở này.

Luật sư bào chữa của bị cáo Phong đặt câu hỏi, hai chiếc điện thoại trên có phải là tang vật của vụ án, nếu là tang vật sẽ bị tiêu hủy, còn nếu không phải tang vật, bị cáo có thể đề nghị HĐXX trả lại tài sản cho mình.

Từ khai nhận tại tòa, Lê Duy Phong cho rằng đây không phải tang vật liên quan đến hành vi phạm tội, đề nghị HĐXX trả lại cho mình. 

{keywords}
TAND Tp.Yên Bái - nơi đang xét xử vụ Lê Duy Phong.

Phong cũng cho biết, thông qua luật sư bào chữa, Phong đã nhắn cho vợ mình mang số tiền 200 triệu đồng trả lại cho ông Vũ Xuân Sáng và đã được ông Sáng chấp nhận.

Luật sư hỏi: số tiền này là tài sản của cá nhân hay của hai vợ chồng, Phong cho biết, đây là số tiền chung.

Về số tiền hơn 1 tỷ đồng có trong tài khoản, hiện đang bị phong tỏa trong quá trình điều tra vụ án, Phong khai đây là số tiền chung của hai vợ chồng, do làm ăn, buôn bán bất động sản mà có. Phong xin HĐXX bỏ lệnh phong tỏa tài khoản để vợ mình được sử dụng chăm sóc cho con và gia đình.

Lê Duy Phong bị đề nghị 3 - 4 năm tù

10h20 sáng, Đại diện VKS công bố bản luận tội bị cáo Lê Duy Phong. Theo đó, VKS cáo buộc bị cáo Phong lợi dụng một số bài báo đăng tải trên các trang báo chí và đe doạ ông Sáng, ông Thực để cưỡng đoạt số tiền của ông Sáng và ông Thực.  

{keywords}
Lê Duy Phong bị đại diện VKS đề nghị mức án 3 - 4 năm tù.

Đại diện VKS khẳng định, lời khai của bị hại và của những người làm chứng cùng lời nhận tội của Phong là phù hợp. Ngoài ra, việc cưỡng đoạt tài sản của Phong làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, bị cáo Phong có hai tình tiết tăng nặng là "lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản" và cưỡng đoạt tài sản” nhiều lần.

Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như bố đẻ từng nhận nhiều huân huy chương kháng chiến... Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Duy Phong mức án tù từ 3-4 năm. Đề nghị HĐXX tuyên trả cho bị cáo một số tài sản mà cơ quan điều tra đang tạm giữ.

Mặc dù là phiên xử công khai, tuy nhiên, nhiều phóng viên không được tham dự phiên tòa, dù có giấy giới thiệu của cơ quan để được tham dự phiên tòa.  

Hầu hết các phóng viên đều phải ngồi ở khu vực gần cửa tòa án để tác nghiệp. Rất nhiều người dân cũng theo dõi diễn biến phiên tòa từ bên ngoài khu vực sân của Tòa án. 

Xét xử vụ nhà báo Lê Duy Phong trong tháng 4

Xét xử vụ nhà báo Lê Duy Phong trong tháng 4

TAND TP Yên Bái dự kiến sẽ mở phiên xét xử đối với cựu PV Lê Duy Phong trong tháng 4.

Hôm nay, xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong

Hôm nay, xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong

Tòa án nhân dân TP Yên Bái hôm nay đưa bị cáo Lê Duy Phong ra xét xử tội cưỡng đoạt tài sản.

Thái Bình