Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận tham gia của toàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phấn đấu có trên 60% hợp tác xã nông nghiệp đạt loại tốt

Bước sang giai đoạn mới, nhằm mục đích phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn… và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ; tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu có trên 60% hợp tác xã nông nghiệp đạt loại tốt, khá trở lên trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh

Xây dựng ít nhất 05 mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả; doanh thu bình quân/hợp tác xãđạt từ 03 tỷ đồng/năm trở lên.

Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; vận động từ 20 - 25% tổng số hộ nông dân, nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên hợp tác xã.

Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng 25% so với năm 2020; doanh thu tăng ít nhất 20% và khoảng 20% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 30 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP); 50% hợp tác xã đang hoạt động thực hiện chuyển đổi số, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng; các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp tư vấn, hỗ trợ ít nhất 30% tổ chức kinh tế tập thể về xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2025, tại Kế hoạch, tỉnh Lào Cai đã đề ra 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả.

Hình thành và phát triển các lực lượng tư vấn trong đó có sự tham gia của hệ thống khuyến nông cấp tỉnh đến cơ sở; quan tâm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phương pháp bán hàng, tiếp cận thị trường trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng; tư vấn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, phát triển thương hiệu; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra của sản phẩm.

Phát động các phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời, tôn vinh và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu ở các địa phương.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ tối thiểu 01 hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả phù hợp điều kiện từng địa phương. Ưu tiên tập trung hỗ trợ phát triển 05 mô hình hợp tác xã thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tập trung các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý hợp tác xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả bền vững gắn với sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho hợp tác xã  nông nghiệp phát triển. Chú trọng tập trung các chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất…

Rà soát các cơ chế, chính sách hiện có còn bất cập để đề xuất với trung ương, HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh, ban hành. Tập trung xây dựng các hướng dẫn, hỗ trợ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến; hướng dẫn thủ tục cho thuê đất, tích tụ đất đai; hướng dẫn một số chính sách về thuế, phí đối với hợp tác xã; hướng dẫn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng lĩnh vực, ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp thông qua việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính đối với các hợp tác xã nông nghiệp. Công khai, minh bạch đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hợp tác xã nông nghiệp theo quy định.

Cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với hợp tác xã; các định hướng phát triển, dự báo thị trường; tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến; các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả…

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử, logistics, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng, phát triển mô hình “chợ nông sản 4.0”, “sàn giao dịch thương mại điện tử”, sàn giao dịch sản phẩm OCOP…

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo chương trình kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lồng ghép tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các hợp tác xã.

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đào tạo nhân lực quản trị sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã nông nghiệp; hợp tác, liên kết đưa cán bộ quản lý, lao động làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp đi học tập, lao động tại nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách thu hút lao động có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả đội ngũ khuyến nông cơ sở trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã. Nâng cao tổ chức, bộ máy hoạt động của hợp tác xã theo hướng kết nạp khuyến nông viên xã, thôn, bản và tổ nhóm khuyến nông cộng đồng trờ thành thành viên hợp tác xã nông nghiệp.

Thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực hỗ trợ, kinh nghiệm đào tạo, tư vấn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khai thác tối đa các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án, hội thảo, hội nghị, diễn đàn. Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh lân cận.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã xã có chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, hướng dẫn tình hình thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh; từ đó tổng kết bài học kinh nghiệm của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trong thực tiễn để làm căn cứ chỉ đạo, nhân rộng.

Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xãnông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở đảng ở nông thôn trong công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và sự tham gia của Nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX.

CTV, Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV