- Khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy, bất ngờ tôi đâm phải một người khác đang dừng xe máy giữa đường. Hậu quả người này ngã văng khỏi đất, chấn thương phần đầu. Mặc dù tôi đã đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng gia đình họ vẫn chửi bới và đe dọa nếu tôi không bồi thường, họ sẽ kiện ra toà.
Vấn đề ở chỗ, người bị tôi đâm phải mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi đi xe máy và chưa có bằng lái xe, cũng không đội mũ bảo hiểm, dừng xe ngay giữa dòng xe đang lưu thông. Công an đã ghi nhận lời khai của tôi và xác minh tôi nói hoàn toàn sự thật. Xin hỏi luật sư, trong trường hợp này tôi có bị phạt hành chính không? Gia đình kia có quyền kiện tôi ra tòa đòi bồi thường không?
Liệu tôi có phải bồi thường cho phía gia đình người kia? (Ảnh minh họa) |
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Theo NQ số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 thì: “4. Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự như sau:
4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
Do bạn không nêu rõ về tỷ lệ thương tật nên chưa khẳng định được có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Theo quy định của Điều 202 Bộ luật Hình sự thì người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này phải là người “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”. Khi không đủ cấu thành tội phạm thì thuộc trường hợp xử phạt hành chính.
Về bồi thường thiệt hại, Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau:- Phải có thiệt hại xảy ra gồm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất tinh thần;
- Phải có hành vi trái pháp luật: là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động trái với các quy định của pháp luật;
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại;
- Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Bạn căn cứ vào quy định trên, nếu có lỗi thì bồi thường căn cứ theo mức độ lỗi. Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
"Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường". Khi thiệt hại xảy ra mà người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, thì họ phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Thực chất, trong trường hợp này người bị thiệt hại xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường. Người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc