- Từ 1/1/2013, lệnh cấm xe tải đi vào các tuyến đường quanh khu vực cảng Đà Nẵng chính thức được ban hành. Điều đó đồng nghĩa với việc "vô hiệu hóa" cảng Đà Nẵng do Vinalines đầu tư, khai thác.

Trong quy hoạch kiến trúc tổng thể đô thị loại 1, Thành phố Đà Nẵng quyết định chuyển công năng cảng Đà Nẵng thành cảng du lịch. Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, TP cấm tuyệt đối xe tải vào các tuyến đường khu vực cảng Đà Nẵng để giao, nhận hàng hóa. Sở GTVT TP được yêu cầu phải thực hiện đặt biển báo cấm phương tiện vận tải trên đường Bạch Đằng.

Theo Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, tại cuộc họp thông qua một số đề án quy hoạch kiến trúc tại Đà Nẵng ngày 19/10 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu UBND TP phải sớm thu hồi cảng Đà Nẵng để chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.

Ngay sau khi thông qua một số đề án quy hoạch kiến trúc, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn gửi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với nội dung: "Thông báo cho Vinalines biết, theo Nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng, đến ngày 1/1/2013, cảng Sông Hàn chuyển công năng thành cảng du lịch, không còn là cảng hàng hóa nữa".

Mặc dù trước đó, Vinalines đã gửi công văn đến UBND TP đề nghị kéo dài thời hạn bàn giao mặt bằng cảng Sông Hàn cho Đà Nẵng quản lý đến ngày 31/12/2013.

Tàu du lịch cập cảng Đà Nẵng

Việc kéo dài thời hạn bàn giao đến tháng 12/2013, UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, là làm ảnh hưởng đến đầu tư phát triển đô thị của thành phố. Vì vậy, việc thu hồi cảng Đà Nẵng để chuyển công năng thành cảng du lịch như đồ án qui hoạch đã được thông qua là hợp lý.

Mặc dù cảng Đà Nẵng chưa được bàn giao từ Vinalines, nhưng với thái độ kiên quyết, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Vinalines sớm bàn giao vào ngay ngày đầu tiên của năm 2013, chứ không để kéo dài đến hết năm.

Đây là biện pháp hành chính mà dư luận cho là cứng rắn đủ sức răn đe "ông chủ" của cảng vụ Đà Nẵng cố tình dây dưa kéo dài.

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, cảng Sông Hàn (trực thuộc Cảng Đà Nẵng) nằm ở khu vực trung tâm thành phố, có tổng chiều dài cầu bến 750m, chuyên nhận vận chuyển hàng hóa đường sông. Diện tích của khu cảng hơn 10.000 m2. Độ sâu của cảng này chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu vận tải dưới 5.000 DWT, tàu container với tổng công suất vài trăm ngàn tấn hàng hóa/năm cùng các loại tàu khách vừa và nhỏ.

Trước khi chuyển đổi công năng cảng Đà Nẵng thành cảng du lịch như đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, từ đầu năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng đã thỏa thuận đền bù cho Vinalines để thực hiện di dời, giải tỏa. Nhiều hạng mục công trình, vật tư thiết bị đã qua sử dụng đã được UBND TP.Đà Nẵng thanh toán đền bù trên 85% giá trị đầu tư. Nhà kho số 1 rộng 880 m2 của cảng Sông Hàn đã được tháo dỡ, di dời để lấy mặt bằng cho cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012.

Trả lời báo chí về việc tại sao UBND TP. Đà Nẵng lại ra "tối hậu thư" buộc Vinalines phải di dời trước ngày 1/1/2013, chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến cho biết, tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP. Đà Nẵng khóa VIII đã ban hành nghị quyết nêu rõ thời hạn "đến ngày 31/12/2012 thực hiện việc di dời cảng Sông Hàn, bàn giao lại mặt bằng để cải tạo, nâng cấp và chuyển đổi công năng thành cảng du lịch. Toàn bộ công tác đền bù đã được thực hiện... ".

Còn Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói rằng đây là nghị quyết của HĐND TP thống nhất thông qua. Chính quyền thành phố thực hiện chức năng quản lý hành chính của mình đúng luật quy định.

Như vậy, với lệnh cấm xe tải vào khu vực cảng Sông Hàn đã gần như vô hiệu hóa cảng Đà Nẵng. Cho dù Vinalines có kéo dài chưa bàn giao đến cuối năm 2013, cảng Đà Nẵng cũng không còn tác dụng.

Vũ Trung