Ngày 10/10/2023, UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.  

Phát biểu tham luận tại sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “20 năm trước, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị có đặt vấn đề Đà Nẵng sẽ thành thành phố như thế nào? Tôi nói chúng tôi muốn Đà Nẵng trở thành thành phố trí tuệ. Lúc đó không ai tin, doanh nghiệp không tin. Nhưng tôi vẫn tin là chúng ta làm được và đã làm được. Cơ bản nhất là chúng ta có khát vọng”.

Theo ông Trương Gia Bình, câu chuyện phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng lần này cũng cần khát vọng mãnh liệt. “Bằng mọi cách, chúng ta phải xây dựng Đà Nẵng có tên trong hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới, và vượt mọi khó khăn, cản trở để làm được. Để làm được điều đó cần có nhân lực; thu hút đầu tư và ‘thảm đỏ’ – cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng ngành này phát triển”, Chủ tịch FPT khẳng định. 

truong gia binh.jpg
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, câu chuyện phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng lần này cũng cần khát vọng mãnh liệt.

Làm sao để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là câu hỏi ông Trương Gia Bình đặt ra và trả lời đầu tiên. FPT mỗi năm có 6 - 7.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. Sau đó, đưa nhân sự này quay về làm việc tại Đà Nẵng. FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người, sau có thể 20.000 - 30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn. Ngoài việc đào tạo, ông Trương Gia Bình đề xuất thành phố có thể đưa nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài về tạo điều kiện để họ gắn bó và phát triển.

Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư là việc quan trọng cần phải làm. “Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Kêu gọi những tập đoàn lớn nhất vào Đà Nẵng như Intel trước đó. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì ‘trâu ăn theo đàn’ là tâm lý chung của các tập đoàn nước ngoài”, ông Trương Gia Bình chia sẻ. 

Theo ông Bình, để thu hút đầu tư cần trải thảm đỏ đón doanh nghiệp. Thảm đỏ của Đà Nẵng là khung pháp lý thuận lợi, cơ chế, đào tạo, kết nối quốc tế, tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng cần chứng minh thực lực bằng các con số: Nhân sự, doanh nghiệp, nhân vật danh vọng của ngành ở tại Đà Nẵng. 

Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh hai từ khoá xu hướng xây dựng thành phố thông minh trên thế giới là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đà Nẵng sẽ đi theo hướng này để tạo sự khác biệt và xây dựng hình ảnh thành phố thông minh với thế giới. 

chip ban dan.jpg
UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”.  

“Thời gian gần đây, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều diễn đàn với sinh viên, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhà đầu tư... để tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tôi tin nếu giữ vững quyết tâm đó, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chung tay thực hiện khát vọng, như trên con chip có hàng trăm IP của hàng trăm công ty, không thể tồn tại riêng lẻ”, ông Trương Gia Bình đúc rút.  

Chia sẻ về công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho hay: Việt Nam đứng thứ 10 trong xuất khẩu sản phẩm điện tử và đứng thứ sáu trong số các nước gia công, đóng góp lớn vào ngành công nghệ ICT. Việt Nam cũng có rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực này. Việt Nam sẵn sàng làm gia công cho các nước trong khu vực và các nước khác, chẳng hạn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Với những kết quả đạt được đến thời điểm này, cùng với hạ tầng công nghệ, chúng ta có thể có được ngành công nghiệp điện tử thành công.

“Việt Nam cũng đã có những ưu đãi về thuế như: Không phải nộp thuế thu nhập trong 4 năm đầu tiên, ưu đãi về thuế xuất khẩu là 0 %, miễn thuế VAT cho các sản phẩm về phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, còn có những ưu đãi khác như tiền thuê đất. Những động thái khuyến khích này rất hữu ích để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho hay, hiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này như Viettel và FPT Semiconductor với khoảng 200 nhân viên. Còn lại, khoảng 50 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc hầu hết các mảng trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).

Trong giai đoạn tới, chiến lược vi mạch bán dẫn sẽ đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.