Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nêu một số dẫn chứng cụ thể như: Phong trào nói “không” với chai nhựa đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên địa bàn Đà Nẵng, qua đó phần nào giúp thay đổi thói quen lâu năm nơi cơ quan, công sở của thành phố Đà Nẵng. Đến nay, trong các buổi họp và buổi tiếp khách tại Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng 100% chai nhựa tiện dụng đã được thay thế bằng chai thủy tinh. Nhờ có cán bộ nhà nước làm gương, nên toàn thể nhân dân cùng nhau chung tay hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường chung của thành phố.

anh bai 24 chuan.jpg
Tại nhiều cuộc họp, chai nhựa tiện dụng đã được thay thế bằng chai thủy tinh.

Mặt khác, Đà Nẵng cũng đã phát động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố. Các siêu thị, trung tâm thương mại, tiểu thương kinh doanh ở các chợ đều hạn chế sử dụng túi ni lông, vận động người thân, gia đình mang theo túi đựng, giỏ nhựa khi đi chợ, siêu thị. Các siêu thị, trung tâm thương mại, thay vì cung cấp túi nilon, đã chuyển sang hướng dẫn khách hàng sử dụng các thùng carton cũ để đựng đồ (Siêu thị Mega); hoặc là khuyến khích mua các túi xách dùng nhiều lần, cung cấp túi tự hủy sinh học nhằm giảm thải tác hại của túi ni-lông (Co.op Mart, Big C...).

Cùng với đó, Thành phố ban hành và tập huấn triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại Đà Nẵng với nhiều thứ tiếng (Việt, Anh, Trung, Hàn… ) và 9 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch; trong đó, hướng dẫn và nhắc nhở các đơn vị về nội dung giảm thiểu sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần, có giải pháp tái sử dụng, tái chế sản phẩm nhựa để bảo vệ môi trường.

Tại các khu, điểm du lịch đã bố trí các khung lưới sắt nhằm thu gom phân loại rác tái chế. Sở Du lịch cũng đề nghị các khu, điểm du lịch khuyến khích du khách không sử dụng túi nilon khi đến tham quan, du lịch. 

Tại các cơ sở lưu trú du lịch, Sở Du lịch khuyến khích thay vì phát chai nước nhựa cho du khách thì chuyển dần sang dùng bình nước lớn, tái sử dụng chai đựng nước, sử dụng cốc, chai thuỷ tinh để dùng được nhiều lần thay thế cho chai nhựa. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox...

Nhiều khách sạn khuyến khích khách sử dụng khăn tắm nhiều lần, thu gom và tái chế các bánh xà phòng đã sử dụng, các đồ nhựa (bàn chải đánh răng, lược chải đầu...) được thu gom và bán lại cho các cơ sở thu gom tái chế.

Nhiều khách sạn, nhà hàng còn thu gom chất thải thức ăn dư thừa để bán lại cho cơ sở chăn nuôi hoặc chế biến phân bón hữu cơ.

Theo báo cáo cách đây ít lâu của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố đến nay đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện, chẳng hạn: Thùng thu gom pin thải, Mái nhà xanh, Trồng chuối lấy lá, Điểm tập kết rác văn minh, Khu dân cư tự quản về môi trường, Tổ thân thiện môi trường, Thôn không rác, Trường học không rác, Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông… Nhiều “Thùng thu gom rác thải nhựa” đã được đặt tại các khu du lịch, di tích, công cộng… 

Thành phố cũng đã xúc tiến 9 dự án về quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý rác thải nhựa với hơn 70 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2024); Thiết lập nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia địa phương (>25 cán bộ đầu mối, chuyên gia kỹ thuật). 

Đến nay, 85% các tổ dân phố thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn mới chỉ đạt ở mức trung bình (63%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng chỉ đạt dưới 60%. 

Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh ở thành phố Đà Nẵng đang lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ phía người dân và các nhà sản xuất, qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ sự cố chất thải, chung tay bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV