Theo Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, kinh tế tuần hoàn tại các thành phố có thể thúc đẩy sự xuất hiện của Thành phố phát triển (nơi năng suất kinh tế tăng nhờ giảm tắc nghẽn, loại bỏ chất thải và giảm chi phí) và Thành phố đáng sống (với chất lượng không khí và sức khỏe đô thị được cải thiện, giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm).

anh bai 25.png
Kinh tế tuần hoàn tại các thành phố có thể loại bỏ chất thải, giảm ô nhiễm. 

Nắm bắt được vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn, thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước đã triển khai nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn cho thành phố. Từ tháng 4/2022, UBND Thành phố đã có Quyết định số 1102 phê duyệt báo cáo tổng hợp nhiệm vụ, trong đó, đã có các đề xuất đối với mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình và giải pháp để xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng.

Thành phố xác định tầm nhìn: “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo các nguyên tắc, chiến lược và mô hình kinh tế tuần hoàn, phấn đấu đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố tuần hoàn đầu tiên theo tiêu chí của Việt Nam”.

Thực tế thời gian qua, nhiều mô hình gắn với kinh tế tuần hoàn đã và đang phát huy hiệu quả bước đầu tại Đà Nẵng, góp phần giảm nguy cơ sự cố chất thải tại địa phương.

TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng dẫn ví dụ điển hình là mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp: “Đối với thành phố Đà Nẵng, thực tiễn phát triển nông nghiệp đã cho thấy một số biểu hiện của kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp như ở huyện Hòa Vang đã triển khai các mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) và biến thể Vườn - Ao - Chuồng - Biogas (VACB), Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR). Trong đó, mô hình chăn nuôi hộ trang trại thu hồi phân trâu bò, gà, heo để làm phân bón, sản xuất khí Biogas hoặc nuôi trùn quế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sử dụng rơm rạ là phụ phẩm của ngành trồng trọt làm phân bón ruộng và làm thức ăn cho trâu bò hay để sản xuất nấm rơm cũng đã được áp dụng từ lâu. Việc áp dụng những mô hình này đã không chỉ giúp giảm phát thải mà còn giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, mô hình VACB là giải pháp xử lý an toàn chất thải động vật, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu”.

Một ví dụ khác là mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong giai đoạn 2015-2019, Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Theo đó, Khu công nghiệp Hòa Khánh của Đà Nẵng đã được chọn xây dựng thí điểm khu công nghiệp sinh thái. Các chuyên gia của Dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ đồng/năm; giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2.700 tấn chất thải rắn/năm. Trong số 228 giải pháp có 31 giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu hóa chất, 31 giải pháp tiết kiệm nước, 33 giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, 3 giải pháp giảm thiểu tác động môi trường...

Đánh giá chung những thành tựu đạt được trên hành trình triển khai kinh tế tuần tại Đà Nẵng, TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt nhận định: Nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt được; các điểm nóng môi trường được xử lý triệt để, điểm nóng phức tạp được kiềm chế; Có nhiều thực tiễn và sáng kiến tốt về áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, công nghiệp cung cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Tuy nhiên, TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt cũng lưu ý, tiến đến phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành/lĩnh vực hay xa hơn là thành phố tuần hoàn cho Đà Nẵng, nhiều hạn chế, bất cập vẫn còn phải được cải thiện. Chẳng hạn, hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố hiện nay không hỗ trợ cho việc thực hiện tuần hoàn chất thải; hệ thống thu gom còn yếu, tỷ lệ tái chế thấp. Cơ chế khuyến khích tuần hoàn chất thải công nghiệp cũng chưa rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp…

Để đạt được mục tiêu đề ra, TS. Bùi Ngọc Như Nguyệt khuyến nghị thành phố Đà Nẵng cần đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức toàn xã hội về kinh tế tuần hoàn; Tập trung vào giải pháp quản lý chất thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Thúc đẩy tiêu dùng xanh đối với các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố…

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV