Kêu gọi ngư dân chung tay cải thiện ô nhiễm môi trường
Theo ông Võ Thành, hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực với những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường tại "điểm nóng" âu thuyền, cảng cá Thọ Quang hướng đến mục tiêu đưa nơi này thành điểm du lịch vào năm 2025.
Cụ thể, từ cuối năm 2022 TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp tập trung vào 4 nhóm, gồm” truyền thông, quản lý, kỹ thuật và quan trắc giao trách nhiệm cho từng Sở, ngành, đơn vị. Các hoạt động bảo vệ môi trường từ: thu gom rác thải tại cảng cá/ âu thuyền và từ tàu cá cập bờ, cho tới nâng cao nhận thức người dân, phát hiện xử phạt hành vi xả rác; xây dựng chuỗi vận hành thu gom rác, hoàn thành đấu nối hệ thống đường ống nước thải; lắp đặt các trạm quan trắc môi trường nước mặt, không khí tại khu vực cảng cá và âu thuyền; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường biển nói chung, cảng cá/ âu thuyền nói riêng.
“Tuy các hoạt động bước đầu đi vào nề nếp nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại cảng cá và ấu thuyền Thọ Quang sẽ cần thời gian. Nếu giai đoạn (2020- 2022), Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã thu gom được 55,89 m3 rác thủy sản và hơn 4.877 m3 rác sinh hoạt từ các tàu, thuyền cập cảng, neo đậu chuyển giao cho Công ty Môi trường đô thị xử lý. Thì trong giai đoạn 2023-2025, khối lượng rác thải cần thu gom sẽ tăng gấp đôi, khi lượng rác thải ngày một tăng lên và công tác thu gom, xử lý cũng cần được nâng cao hiệu quả hơn nữa”, ông Võ Thành cho biết.
Vận động ngư dân mang rác… về bờ
Để chương trình làm sạch và bảo vệ môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang mang tính bền vững, rất nhiều mô hình đã được triển khai nhằm kêu gọi ngư dân, tiểu thương và khách du lịch cùng chung tay thực hiện. Ví dụ, mô hình “Đổi rác lấy quà” đã tạo sự chuyển biến trong hành động của ngư dân. Theo đó, hàng tấn rác thải đã được chính các tàu cá thu gom và giao nộp, trong đó đáng mừng là lượng rác thải nhựa được các tàu cá tự nguyện mang từ biển trở lại đất liền thay vì ném thẳng xuống biển như trước đây.
Ở khu vực cảng, nơi hoạt động mua bán hải sản diễn ra sôi động kèm theo đó là lượng rác thải, nước thải phát sinh rất lớn. Do đó, từ cuối năm 2022 Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục nâng cấp, cải tạo cảng cá và chợ cá; xây dựng các mương, cống thoát nước, xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu vực cảng và chợ cá (công suất 300m3/ngày đêm). Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai Dự án đầu tư Nạo vét âu thuyền Thọ Quang với tổng vốn đầu tư 99,7 tỷ đồng. Do đó đến nay, tình trạng nước thải và rác tồn đọng ở khu vực âu tầu, chỗ neo đậu của tàu thuyền đã cơ bản bước đầu được giải quyết.
Tuy nhiên, để biến Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trở thành địa điểm du lịch thì còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp do dự án nạo vét âu thuyền bị kéo dài (đến nay chưa hoàn thành). Tình trạng một bộ phận tiểu thương chưa chấp hành các quy định bảo vệ môi trường như vẫn còn hiện tượng: xả rác bừa bãi, để nước thải rơi rớt gây mùi hôi khắp chợ. Đặc biệt, do có vị trí thuận lợi về giao thông và giao thương nên Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cũng thu hút rất đông tàu các của các tỉnh khác neo trú, do đó tình trạng không đưa rác lên bờ, xả rác bừa bãi vẫn diễn ra khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Dẫu vậy, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang vẫn được UBND TP Đà Nẵng quyết tâm làm điểm mẫu trong cải tạo môi trường, biến nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch vào năm 2025. Bởi Đà Nẵng xác định, là thành phố biển thì du khách không chỉ tham quan các di tích mà khu vực cảng cá và âu tàu cũng là địa chỉ được nhiều người quan tâm. Mô hình các cảng cá của Busan (Hàn Quốc) hay Tokyo (Nhật Bản) trở thành điểm du lịch chính là hình mẫu Đà Nẵng muốn học tập. “Đà Nẵng quyết tâm biến điểm nóng ô nhiễm môi trường ở cảng cá Thọ Quang trở thành điểm đến xanh – sạch – đẹp để có thể kết hợp với du lịch, phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới”, ông Võ Thành tự tin.