Bất cập trong hệ thống xử lý nước thải tại chợ 

Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, nhiều chợ trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Một số ít được trang bị nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa thể ước tính được lượng phát sinh, tất cả đều tự thoát chảy ra hệ thống cống chung. 

anh bai 7.jpg
Các chợ vẫn tiềm ẩn nguy cơ sự cố nước thải.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại và siêu thị có gian hàng hoạt động nấu ăn, nhà hàng sẽ có phát sinh khí thải. Lượng phát sinh này cũng tùy thuộc vào mức độ hoạt động của gian hàng, tuy nhiên cũng không phải là nguồn phát thải lớn. Tại các khu vực buôn bán thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản,... cũng phát sinh mùi hôi đáng kể gây ảnh hưởng đến xung quanh.Tại Đà Nẵng, thương mại - dịch vụ là ngành ít gây ô nhiễm môi trường so với hoạt động sản xuất công nghiệp. Các nguồn thải sinh ra trong quá trình hoạt động chủ yếu ở quy mô nhỏ và mang tính cục bộ. 

Chất thải rắn chiếm phần lớn trong các nguồn thải phát sinh từ hoạt động thương mại, chủ yếu là chất thải sinh hoạt như bao bì, giấy carton, rau củ, nông sản... Những chất thải nguy hại gồm các loại bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau, pin, acquy, mực in...

Khảo sát mới đây cho hay Siêu thị Coopmart Đà Nẵng mỗi tháng thải ra là khoảng 8.559 kg giấy carton, 230kg bao bì nilon các loại; Chợ Đầu mối Hoà Cường hàng ngày phát sinh từ 8 - 9 tấn rác thải bao gồm rau củ quả, nông sản sơ chế, các loại bao bì, giỏ đựng... 

Với các cửa hàng thương mại bán nhỏ lẻ, diện tích trung bình khoảng 55m2/cửa hàng, thì phát sinh khoảng 1,8 kg rác thải/ngày/cửa hàng, đối với chợ diện tích khoảng 1.000m2 thì phát sinh khoảng 400kg rác thải/ngày/1.000 m2. 

Cần có đủ dữ liệu ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp

Cũng theo Sở Công Thương, các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghệ cao được coi là một nguồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố chất thải.

Đà Nẵng hiện có khoảng trên 5.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động trong khu dân cư, đặc biệt trong nội thành; hoạt động với các loại hình sản xuất, như: Gia công cơ khí gò hàn, gỗ, sơ chế thủy sản, dệt may... Chất ô nhiễm chủ yếu là bụi, tiếng ồn, mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. 

Rất cần có hệ thống dữ liệu tích hợp đầy đủ số liệu về hiện trạng ô nhiễm môi trường và số liệu quan trắc môi trường tổng thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đề từ đó có sở cứ cho việc triển khai các giải pháp phòng ngừa sự cố chất thải một cách hiệu quả.

Nhóm làng nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp: Số liệu trong giới hạn cho phép

Nhóm làng nghề, sản xuất tiểu thủ công nghiệp thường bị lo ngại là một trong những đối tượng có nguy cơ cao về sự cố chất thải. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, nhóm này lại không ở mức đáng quan ngại.

Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố còn khoảng 4.488 hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp/làng nghề với khoảng 9.152 lao động, chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư trang thiết bị dưới 150 triệu đồng/hộ, hoạt động trên nhiều ngành nghề, phân tán ở tất cả các quận và huyện Hòa Vang. 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 10 làng nghề, trong đó có 6 làng nghề chế biến bảo quản nông lâm thủy sản (làng nghề nước mắm Nam Ô, bánh tráng Túy Loan, khô mè Cẩm Lệ, rượu cần Phú Túc, chế biến chả cá tại quận Hải Châu, sản xuất giá đỗ Nghi An); 1 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (đá mỹ nghệ Non Nước); 1 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn (đá chẻ Hòa Sơn); 2 làng nghề sản xuất mây tre đan, đan lát (chiếu Cẩm Nê, mây tre An Khê), trong đó có 1 làng nghề đã được công nhận là làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn). 

Theo kết quả quan trắc môi trường không khí khu vực khu vực làng nghề giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy, hàm lượng NO2, SO2 trung bình năm dao động từ 5,51 - 42,13 μg/m3 nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV