- Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị phân bổ ngân sách giáo dục năm 2011 sáng 25/12, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói sẽ có những động thái để siết chặt chất lượng đào tạo, còn chuyện tiến
tới xóa chữ “tại chức” ở trên văn bằng để tạo áp lực về chất lượng cho
cả 2 hệ này thì ông chưa thể trả lời.
Đà
Nẵng, thật vàng sợ gì lửa! |
Giao chỉ tiêu theo ngành
Thưa ông, kết quả giám sát của Quốc hội mới đây có dẫn số liệu tuyển sinh hệ tại chức ở một số trường lớn hơn hệ đào tạo chính quy. Như vậy có hợp lí?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong năm 2010, chủ trương của Bộ GD - ĐT đã có giảm chỉ tiêu hệ đào tạo không chính quy xuống còn khoảng 70% so với hệ chính quy. Năm học tới, Bộ cũng sẽ xem xét để siết chặt hệ đào tạo này để đảm bảo cho các trường có năng lực đào tạo đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng có thể cho biết những động thái để siết chặt chất lượng hệ đào tạo này?
- Tới đây, việc xem xét chỉ tiêu tuyển mới hệ vừa học vừa làm sẽ dựa trên năng lực tổng thể của trường. Bộ GD - ĐT đang xem xét để có quy định chung, nguyên tắc chung để phân bổ chỉ tiêu.
Có khả năng chỉ tiêu đào tạo sẽ giao theo ngành, không cho các trường đào tạo quá rộng một ngành nào đó trong khi những ngành cần lại không có thí sinh. Ví dụ như ngành kỹ thuật hiện nay rất cần thí sinh học tại chức nhưng không có người học. Trong khi đó, khối quản lý lại quá đông người học dẫn đến sự quá tải.
Không chỉ Đà Nẵng mà ở nhiều doanh nghiệp đã có quy ước ngầm phân biệt hệ đào tạo hệ tại chức. Vậy, đâu là những lý do khi nhiều nhà tuyển dụng "tẩy chay" bằng tại chức?
- Một số nước phát triển như Pháp vẫn duy trì loại hình đào tạo này...đáp ứng nhu cầu người vừa đi làm vừa đi học. Khoa học công nghệ phát triển nhanh, do đó để thích nghi với môi trường mới thì buộc họ phải học thêm.
Thực tế, đào tạo vừa học vừa làm hay tại chức phải cùng một chương trình đào tạo và bằng cấp có giá trị như nhau. Chỉ khác, kiểu đào tạo để phù hợp cho người vừa đi làm vừa đi học.
Nếu đào tạo đúng theo chương trình quy định thì chất lượng chắc chắn cũng giống như đào tạo chính quy thôi.
- Vậy, Bộ GD-ĐT đã có điều tra hay khảo sát về hiệu quả của đào tạo tại chức đáp ứng nhu cầu đến đâu chưa, thưa Thứ trưởng?
Trên thực tế, nhu cầu học tại chức là có thực, thể hiện ở việc tuyển sinh đầu vào quá đông. Người học ra để thích nghi công việc của họ. Những người đã có việc làm, đi học để nâng cao thì rất tốt. Còn những người chưa tìm được việc làm, đi học tại chức thì có thể chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên việc học sẽ khó khăn hơn.
Còn chương trình đào tạo là như chính quy. Do vậy cùng một chương trình, cùng một người dạy, cùng hệ thống kiểm tra...thì chất lượng sẽ không khác.
Giá trị văn bằng cũng như nhau, không phân biệt. Tuy nhiên, điều khác là trên bằng có ghi tốt nghiệp “hệ tại chức” và “hệ chính quy”. Ở nước ngoài, không tách như vậy. Sinh viên dù học tại chức hay chính quy ở một trường ĐH khi tốt nghiệp chỉ nhận một loại bằng thôi.
Một giờ học tại chức tại Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Văn Chung
Khuyến khích đào tạo liên thông tại chức với chính quy
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng chất lượng đào tạo hệ tại chức nên tổ chức thi chung tại chức với chính quy. Thứ trưởng có cho đó là giải pháp?
- Khi triển khai đào tạo tín chỉ, hệ tại chức cũng có thể học với chính quy. Sinh viên của trường, cùng môn học, có thể đăng ký học chung với sinh viên hệ chính quy cũng với tín chỉ đó, môn đó nếu điều kiện thời gian của người học tại chức cho phép. Người học sẽ cùng tham gia một kỳ thi cuối khóa để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sắp tới, Bộ cũng khuyến khích các trường liên thông đào tạo tại chức với chính quy để nâng cao chất lượng, để chính quy và tại chức có thể học chung. Và học tại chức cùng tham gia thi kết thúc. Nhưng chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc, vì phương thức đào tạo của hệ tại chức khác chính quy, hình thức học phải mềm dẻo hơn.
Chương trình đào tạo không khác chính quy, văn bằng có giá trị như nhau…Vậy có nên tiến tới xóa chữ “tại chức” ở trên văn bằng để tạo áp lực về chất lượng cho cả đào tạo tại chức và chính quy không, thưa Thứ trưởng?
- Vấn đề này, tôi chưa trả lời được, vì từ trước đến nay đã có quy định như vậy rồi.
- Cảm ơn Thứ trưởng!
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ
Luận khẳng định: "Nếu bằng cấp không đáp ứng
yêu cầu thì không thể “vác” đi nước nào cho được. Do vậy, chỉ tiêu tuyển
mới sẽ không cao như trước. Cụ thể, chỉ tiêu vừa học vừa làm từ năm học
trước đã giảm. Việc Đà Nẵng nói “không” với bằng tại chức làm tăng thêm
quyết tâm cho việc giảm chỉ tiêu hệ đào tạo này. Bộ GD -ĐT đang chỉ đạo
các vụ nghiên cứu xem xét việc các trường ở Hà Nội mang vào TP.HCM để
đào tạo tại chức và các trường trong TP.HCM mang ra Hà Nội đào tạo tại
chức. Rồi các trường miền núi mang chỉ tiêu về Hà Nội đào tạo...để có
đánh giá nghiêm túc, trung thực."
- Kiều Oanh (ghi)