Đà Nẵng được cộng đồng và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về công tác môi trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, với áp lực của dân số và phát triển đô thị, Đà Nẵng cũng phát sinh nhiều vấn đề nhất là chất thải rắn trong sinh hoạt.
Trung bình mỗi ngày trên thành phố phát sinh khoảng trên 1.000 tấn chất thải rắn. Dự báo, đến năm 2025 khối lượng này tăng lên trên 1.800 tấn/ngày, đến năm 2030 khoảng trên 2.400 tấn/ngày, đến năm 2040 khoảng trên 3.000 tấn/ngày.
Hiện nay, chất thải rắn trong sinh hoạt của Đà Nẵng được chôn lấp tại Bãi rác Khánh Sơn và hình thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Nhiều năm nay Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp phân loại rác tại nguồn. Phân loại rác thải tại nguồn mang lại nhiều lợi ích như: giảm khối lượng chôn lấp, nước rỉ rác sẽ giảm, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Một số thành phần chất thải rắn sinh hoạt nếu được phân loại đúng cách sẽ được tái chế, tái sử dụng và trở thành nguồn nguyên liệu mới có ích. Tăng lượng rác được thu hồi, tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình.
Năm 2023, ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch số 103 về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố. Mục tiêu thành phố Đà Nẵng đưa ra là chất thải rắn sinh hoạt được quản lý, phân loại tại nguồn nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác thải phát sinh và xử lý tại khu xử lý tập trung, góp phần tối ưu các chi phí đầu tư, xử lý của thành phố
Trong đó, Đà Nẵng ưu tiên triển khai trên toàn thành phố với nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm các loại giấy, nhựa, kim loại) và chất thải rắn nguy hại như đèn huỳnh quang, pin, ắc-quy đã qua sử dụng; Các vỏ bình, chai, lọ đựng hóa chất; Các nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác triển khai theo điều kiện của các quận, huyện theo điều kiện của địa phương.
Các giải pháp thực hiện, Đà Nẵng tập trung cho công tác truyền thông. Theo đó, thành phố giao cho các UBND các quận, huyện; ban quản lý khi công nghệ cao và các khu công nghiệp, Sở, ngành liên quan; các hội, đoàn thể tổ chức truyền thông qua hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và đơn vị thu gom (website, mạng xã hội tích hợp Zalo, tổng đài online hoặc tự động 24/7 về những câu hỏi thường gặp, kênh hỏi đáp Facebook, Zalo...) để chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảm rác và phân loại rác tại nguồn, các câu hỏi thường gặp (tài liệu phát tay, video...)... và lan tỏa các câu chuyện hay, kết quả các chiến dịch, chương trình phân loại chất thải sinh hoạt tại tại nguồn. Tuyên truyền để thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đặc biệt các nhà hàng, quán ăn, cafe, trà sữa… phân loại rác thải ngay tại nơi phát sinh.
Cùng với đó là tập huấn, hội thảo chuyên sâu cho cán bộ nòng cốt về quản lý môi trường, xây dựng các tài liệu hướng dẫn phân loại rác thải rắn sinh hoạt.
Các chủ đầu tư được giao cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom chất thải như thu phí qua App; giám sát hành trình xe thu gom; tiếp nhận, xử lý kiến nghị qua App.
Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuấtquá trình các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn. Khi vận chuyển không trộn lẫn các dòng rác sau phân loại.
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: - Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. - Chất thải thực phẩm. - Chất thải rắn sinh hoạt khác. |