- Những vấn đề thuộc thẩm quyền QH nhưng QH thấy dứt khoát phải để dân quyết định, vì QH tôn trọng quyền của người bầu mình hơn chính mình, hơn 500 đại biểu, thì đem ra trưng cầu - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Đưa vấn đề gì ra trưng cầu?
Lần thứ hai trình UB Thường vụ QH, dự thảo luật Trưng cầu ý dân vẫn còn một số điểm có nhiều ý kiến khác nhau.
Với những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, đa số ý kiến chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát để Quốc hội quyết định, là những vấn đề quan trọng của đất nước. Nhưng cũng có ý kiến muốn quy định rõ, liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân. Có cả ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể những vấn đề không đưa ra.
Về phạm vi trưng cầu ý dân, đa số ý kiến thấy nên thực hiện trên cả nước. Nhưng cũng có ý kiến tổ chức ở tầm khu vực với những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực, ví dụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay một dự án kinh tế xã hội có liên quan đến một hoặc một số tỉnh, thành phố.
So với lần trình trước, ngoài các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là UB Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH, dự thảo lần này bổ sung thêm hai chủ thể là Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc VN.
Kết quả trưng cầu ý dân cũng có hai phương án: Một là, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu; Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Hai là, cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Trường hợp trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phải được quá 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Phải có đủ căn cứ để trình QH cho trưng cầu ý dân, chứ không phải do hứng lên. Ảnh: Minh Thăng |
Theo dự thảo, các hành vi bị nghiêm cấm gồm tuyên truyền xuyên tạc làm sai lệch nội dung, ý nghĩa của vấn đề trưng cầu ý dân; dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép làm trở ngại việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân của cử tri; giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân; vi phạm pháp luật xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
UB Thường vụ QH huỷ bỏ kết quả bỏ phiếu ở khu vực có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bỏ phiếu lại.
UB Thường vụ QH công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Trong trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân là sau 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.
Dân chỉ cần gật hoặc lắc
Theo Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước, có một số vấn đề "dứt khoát không đưa ra trưng cầu ý dân".
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình: Không đưa ra trưng cầu ý dân tất cả những vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ông Ksor Phước cũng bày tỏ: "Tôi cũng không biết là có việc gì QH không làm được mà phải đưa ra trưng cầu ý dân. Luật nên viết rõ là những việc QH chưa thể quyết định được hoặc muốn nghe ý kiến nhân dân để chắc chắn hơn về quyết định của mình, thì đưa ra trưng cầu ý dân".
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng thấy luật cần làm rõ trưng cầu ý dân khác lấy ý kiến nhân dân như thế nào.
Ông đặt lại câu hỏi đã nêu lần trình trước: Nếu trưng cầu ý dân mà dân không đồng ý, thì có tổ chức lại không, khoảng cách giữa hai lần là bao lâu, hay một lần không được là bỏ luôn?
"Có những điều ta mong muốn là vì dân nhưng vì lý do nào đó, do tuyên truyền, nhận thức người dân hay thế lực khác, mà dân không đồng ý", Phó Chủ tịch QH phân tích.
Về điểm này, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: Những việc vượt qua thẩm quyền của QH, hoặc thuộc thẩm quyền QH nhưng QH thấy chưa đủ địa vị, sức mạnh pháp lý để quyết định, thì trưng cầu ý dân, và đã trưng cầu thì QH theo ý nhân dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ ý kiến này: Đưa ra trưng cầu những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH, nhưng QH thấy dứt khoát phải để dân quyết định chứ QH không quyết định, cũng không phải là trưng cầu ý dân rồi QH quyết định.
"Đưa ra trưng cầu ý dân là khi QH tôn trọng quyền của nhân dân bầu mình hơn chính mình, hơn 500 đại biểu", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Theo Chủ tịch QH, phải làm rõ như vậy thì các chủ thể như UB Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hay 1/3 tổng số ĐBQH mới có đủ căn cứ để trình QH cho trưng cầu ý dân, "chứ không phải do hứng lên". Đó cũng là sẽ căn cứ để các cơ quan QH thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân.
"Việc đã trưng cầu ý dân là do dân quyết định", ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch QH cũng lưu ý đã đưa ra trưng cầu ý dân thì phải thuyết trình thật rõ để nhân dân hiểu QH muốn trưng cầu ý dân về việc gì, họ sẽ thể hiện ý chí đơn giản là "đồng ý" hay "không đồng ý", gật hoặc lắc, một cách minh bạch, tổ chức trưng cầu ý gọn gàng.
Kết luận phần thảo luận này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu ghi rõ trong dự thảo: Ý kiến của dân là quyết định, dân đã quyết là thực hiện, không làm lại.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đây là luật khó và mới nên cần làm cẩn thận để đưa ra QH thảo luận, nhưng Hiến pháp đã quy định thì phải làm cho được.
Chung Hoàng