Mỗi năm cứ từ tháng 9 năm trước tới tháng Giêng năm sau là mùa của mật ong bạc hà. Hiện bắt đầu vào mùa nên mật ong bạc hà đã được một vài tiểu thương rao bán 450.000-500.000 đồng/kg. Mức giá này tính ra đắt gấp đôi mật ong nhãn, mật ong vải thường.
Gọi là mật ong bạc hà vì loại mật ong này được khai thác từ ong hút mật cây bạc hà mọc trên cao nguyên đá Hà Giang. Đây là loài cây dại, hoa có màu tím hồng, nở vào độ từ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch. Mật ong bạc hà được coi là một vị thuốc với những dược tính đặc biệt như bồi bổ sức khỏe, có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa,...
Mật ong hoa bạc hà là đặc sản nổi tiếng Hà Giang |
Giá mỗi lít bạc hà mật ong lên tới nửa triệu đồng |
Chính bởi đặc tính đặc thù này đã khiến mật ong bạc hà có vị thơm ngọt dịu hiếm có, khác hẳn với hương vị của mật ong thường.
“Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng nhạt. Khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc,... Vì thế, nhiều người cho đây là thứ mật thơm ngon hơn tất thảy những loại mật ong khác. Đặc biệt, nó không gây nóng như các loại mật ong từ hoa nhãn, hoa vải”, chị Nguyễn Thị Lý, một tiểu thương bán loại mật ong bạc hà Hà Giang ở Hà Nội, chia sẻ.
Do đó, khi đi du lịch Hà Giang hoặc đến mùa mật ong bạc hà, những người sành ăn thường không bỏ qua cơ hội săn lùng loại mật ong đặc biệt này. Tuy nhiên, để mua đúng chuẩn mật ong bạc hà, phải mua ở những địa chỉ bán hàng uy tín mới đảm bảo nhất.
“Loại mật ong này không phải dễ tìm. Hiện có nhiều loại mật ong gọi là bạc hà nhưng thực chất không phải vì tỷ lệ bạc hà thấp, mật có màu vàng nâu, khi đông đặc lại có màu trắng sữa pha ánh hồng. Trong khi đó, mật bạc hà nguyên chất khi đông đặc sẽ có màu vàng chanh ánh xanh rất chóe. Chỉ cần mở nút chai là đã thấy một mùi hương rất đặc trưng”, chị Lý cho biết.
Để nhận ra mật ong bạc hà, theo tiểu thương này, là không quá khó. Khách mua chú ý những điểm cơ bản sau là có thể phân biệt được với các loại mật ong khác.
Về màu sắc: Màu vàng chanh, vàng ánh xanh.
Về mùi thơm: Thơm dịu của hoa và hơi ngậy của phấn hoa khi ngửi sẽ cảm nhận được.
Về vị: Ngọt dịu, không ngọt gắt giống đường, không ngọt khé cổ, không ngọt pha vị hơi chua.
Về mức độ đậm đặc: Sánh đặc hơn các loại mật khác.
Về độ lên ga: Mật ong bạc hà có độ lên ga ít hơn hẳn do đặc trưng của loại hoa bạc hà và nhiệt độ lạnh của thời tiết Hà Giang.
Về độ đóng đường: Tuyệt đối không đóng đường khi bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Về tính ổn định của mật: Loại mật ong này giữ nguyên màu sắc và vị của mật trong thời gian 1 năm khi bảo quản ở nhiệt độ phòng nơi thoáng mát, sử dụng chai thủy tinh hoặc can nhựa và nắp chặt, không bị côn trùng xâm nhập. Dù không thể thơm như lúc mới quay, song mật ong vẫn giữ được mùi hương đặc trưng của mật.
Nói chung, mật ong bạc hà được các tiểu thương và người tiêu dùng đánh giá là ngon nhất, mật rất đặc trưng, thơm ngon, đẹp từ màu sắc lẫn mùi vị.
“Chỉ cần dùng một lần và cảm nhận bằng cách nhìn, ngửi, nếm mật mới thấy sự chuẩn xịn, lôi cuốn của loại mật ong này. Vì thế, khách nào ăn rồi đều muốn dùng mãi”, chị Lý nói.
Mới đây, chị Lý về chuyến mật ong bạc hà đầu tiên. Số lượng mật không nhiều, chỉ vài lít vì đầu mùa, nhưng nhiều khách quen đã đặt mua hết dù giá lên tới 495.000 đồng/lít.
Năm nào cũng mua mật ong bạc hà về để gia đình dùng, chị Lan Anh, 40 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) nói rằng chị thích nhất loại mật ong bạc hà.
“Ai từng sử dụng dù chỉ một lần đều nhận thấy, mật bạc hà rất đỗi khác biệt. Mình thích nhất là vị của mật ong bạc hà rất dễ chịu, ngọt thanh thanh, dịu dịu không gắt, nếm kỹ cảm giác ngậy ngậy. Đặc biệt, mật ong bạc hà quánh như mạch nha, cho thìa mật vào mồm tưởng như nhai được mật. Mỗi sáng nhà mình thường cho con ăn 1 thìa mật ong này để phòng các bệnh về hô hấp, tăng đề kháng cho con. Hoặc mật ong ăn kèm với bánh mỳ, pha với các loại trà, nước giải khát”, chị Lan Anh kể.
Thảo Nguyên