Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân ở Lai Châu phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bọ xít. Những bệnh nhân này có những biểu hiện kích thích thần kinh, nói lảm nhảm và có nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này.

TIN BÀI KHÁC


Từ những trường hợp bệnh nhân này nhiều người không khỏi e ngại vì không chỉ có bọ xít mà nhiều món ăn được coi là đặc sản làm từ côn trùng cũng chứa nhiều nguy cơ có độc tố.

Đặc sản... canh bọ, sâu chiên

Tìm hiểu tại một số quán ăn ở Hà Nội có lẽ nhiều người không khỏi giật mình khi các món được coi đặc sản bây giờ không chỉ là thịt thú rừng mà các loại côn trùng mà chỉ nghe tên đã đủ giật mình như món canh bọ, sâu nướng, nhặng chiên...

Anh Nguyễn Hoàng Liệu, kỹ sư điện một công ty may tại Hưng Yên cho biết: "Ở Hưng Yên những đặc sản như cầy hương, nhím, dúi, lợn mán không phải là thiếu. Nhưng thấy nhiều người giới thiệu về đặc sản là những món ăn từ côn trùng mà ngày xưa mới nói nghe đã thấy kinh hãi thì bây giờ được giới nhậu coi là đặc sản, tôi và bạn bè cũng muốn thưởng thức! Chúng tôi thường hay đến quán ở gần công viên Thủ Lệ. Những con sâu nằm trong một cái ống như kiểu ống sậy, bóp vỡ ống, lấy sâu ra nhâm nhi cũng khá thú vị. Giá cả cũng khá là phải chăng, một đĩa dế khoảng hơn 100.000 đồng".


Bệnh nhân ăn bọ xít bị trúng độc phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai


Anh Đỗ Xuân Trung ở Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Các món ăn từ côn trùng đang được coi là đặc sản với nhiều thực khách. Khi vào các nhà hàng chuyên về các món này chúng tôi cũng ít hỏi về xuất xứ của các loại côn trùng. Nhân viên nhà hàng đem thực đơn ra gọi món, ăn xong thanh toán chứ cũng chẳng biết là nhặng, bọ xít, dế mèn họ mua từ đâu và chế biến đúng cách hay không".

Theo một đầu bếp chuyên chế biến các món ăn từ côn trùng thì, ăn rết sẽ tăng sinh lực đàn ông nhưng để được một đĩa rết béo ngậy đặt lên bàn thực khách thì phải biết cách. Ví dụ như trước khi chế biến rết một vài ngày người ta sẽ cho rết ăn thịt gà. Lúc ăn thực khách sẽ thấy rết có vị béo ngậy. Theo vị đầu bếp này thì không chỉ có rết mà các loại côn trùng khác chủ yếu bây giờ họ đều nuôi theo kiểu công nghiệp vỗ béo trước khi chế biến, còn nếu là những con rết, côn trùng không được nuôi mà bắt từ tự nhiên chỉ cần nhốt vài ngày là chúng gầy xơ xác khi ăn chỉ có xác côn trùng mà thôi.

Bổ chưa thấy đã rước hoạ vào thân

Chị Trần Ngọc Phương, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: "Tôi cũng một vài lần đi ăn các món ăn từ côn trùng tại quán "Độc" ở đường Trần Duy Hưng, Hà Nội thấy cũng khá hay. Vì thế khi ra chợ có người bán con nhặng tôi cũng mua thử về chế biến. Sau khi ăn xong cả nhà đều đau bụng. Hôm sau ra mắng người bán nhưng họ vẫn khẳng định là nhặng này họ nuôi chứ không phải nhặng bắt ở các nhà vệ sinh. Đến bây giờ tôi nghĩ vẫn thấy sợ".


Một số món ăn từ côn trùng


PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Nhiều loại côn trùng được người dân ưa chuộng dùng làm thực phẩm như châu chấu, dế, cào cào, rết, bọ cạp thậm chí là cả bọ xít cũng được dùng làm thức ăn. Chủ yếu các loại này người dân và các nhà hàng đều chế biến theo kinh nghiệm là chính chứ không có công thức an toàn chung nào được đưa ra để đảm bảo người dùng yên tâm khi sử dụng.

Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện bọ xít hút máu người được nhiều nhà khoa học, các bác sỹ, chuyên gia dịch tễ cảnh báo những nguy cơ gây hại từ loài này. Trường hợp bệnh nhi vừa được cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa qua là lời cảnh báo với nhiều người về thói quen sử dụng tùy tiện côn trùng làm thức ăn chỉ vì nghe đồn là bổ cho cơ thể".

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cho biết thêm: "Trong y học cổ truyền cũng có nhiều loài được dùng làm thuốc như bọ cạp, bọ ngựa, ong, sâu chít đã được ghi nhận hiệu quả như là rượu nếp sâu ong có công hiệu đối với người bị các bệnh khô da, nấm da và có vết thương hở, người già yếu, sau đẻ, sau mổ; bài thuốc làm tiêu mụn nhọt từ kiến lửa và bọ xít cây nhãn; bài thuốc rịt mau lành vết thương từ hỗn hợp trộn mối cánh non, mối cánh già, lá trầu và mật ong.

Đến nay tại Việt Nam chưa có các nghiên cứu chính xác và chi tiết nào nghiên cứu về tính độc hại và các độc tố của bọ xít cũng như nhiều loại côn trùng khác. Tác dụng với sức khoẻ của các loại côn trùng này cũng phải dùng đúng cách chứ không phải như nhiều người bán quảng cáo như vị thuốc thần dược. Ngay cả khi sử dụng ong để châm cứu thì cũng chỉ là một vài loại ong chứ nếu là ong bắp cày đốt thì độc tố của chúng có thể gây tử vong cho con người. Chính vì thế mà người dân không nên sử dụng tùy tiện các loại côn trùng làm thực phẩm rất dễ chuốc họa vào thân".

Ở Việt Nam, các nhà côn trùng học ghi nhận được khoảng 50 loài côn trùng có thể sử dụng trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng trong y học cổ truyền phần lớn dựa vào kinh nghiệm. người dân thường ngâm các con ong trưởng thành hoặc ngâm cùng với ấu trùng và nhộng của chúng (ong mật, ong vò vẽ, ong đất) trong rượu trắng để làm rượu thuốc có tác dụng bồi bổ sức khoẻ.

Ngoài ra, việc cho ong đốt trực tiếp vào các huyệt vị để phòng, trị các bệnh thấp khớp, tê thấp, đau lưng mỏi gối hoặc châm cứu bằng nọc ong để chữa bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học, bác sỹ lại không khuyến khích người dân sử dụng các loại côn trùng này làm thực phẩm chữa bệnh.

(Theo Người đưa tin)