Xúc tiến chưa đủ, chưa trúng
Từ năm 2017 đến nay, nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn của tỉnh Hưng Yên được tổ chức nhằm tạo cơ hội để nhà vườn và doanh nghiệp gặp nhau, người sản xuất có cơ hội tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo một số thành viên Hội nhãn lồng Hưng Yên, hoạt động này thường chỉ thấy những gương mặt nhà vườn quen thuộc, nhất là một số hộ trồng nhãn có tên tuổi ở TP. Hưng Yên, vốn có nhiều lợi thế ở ngay thủ phủ của tỉnh. Còn rất nhiều nhà vườn ở các huyện như Phù Cừ, Ân Thi, Tiên Lữ, Khoái Châu... vẫn chưa được biết đến.
Tại các vùng nhãn Hưng Yên, giá bán nhãn cũng có sự chênh lệch dù sản phẩm chất lượng như nhau. Cụ thể, cùng một giống nhãn, nhưng giá bán tại vườn của một số hộ có tên tuổi ở TP. Hưng Yên vẫn cao hơn từ 20-30% so với người trồng nhãn các vùng khác. Ở các địa phương này, giống nhãn ngon có giá bán không cao hơn nhãn đại trà.
Việc quảng bá, xúc tiến mới tập trung ở một số hộ trồng nhãn có tên tuổi ở TP. Hưng Yên |
Bà Trần Thị Bắc, Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, cho hay, gần 10 năm nay, lãnh đạo TP. Hưng Yên đã cùng các xã viên vào tận TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ra Thủ đô Hà Nội để chào hàng, tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn. Trên cơ sở những gì thành phố đã có, sản phẩm nhãn lồng Hồng Nam được biết đến nhiều hơn, nên đầu ra ổn định và giá tốt.
Theo các chủ vườn nhãn ở TP. Hưng Yên, giống nhãn cùi ngon giá cao vượt trội ở tỉnh không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10%; nhãn đường phèn thì càng hiếm, không đến 1%, vì là giống cây khó tính, năng suất không ổn định.
Những người có thâm niên trồng nhãn ở Hưng Yên cho biết, để bán được giá tốt, các nhà vườn cần loại bỏ các giống đại trà, thay bằng một vài giống nhãn ngon, thâm canh theo hướng VietGap và rải vụ.
Các hoạt động xúc tiến thương mại dù mở ra nhiều cơ hội tốt, nhưng lượng nhãn tiêu thụ ở mức khiêm tốn. Sau hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ nhãn năm 2021, được tổ chức tại TP. Hưng Yên, HTX nhãn Quảng Châu bán được 3 tấn quả tươi; HTX cây ăn quả Quyết Thắng lần đầu tiên xuất khẩu được gần 3 tấn sang thị trường EU và Vương quốc Anh.
Các doanh nghiệp đánh giá, năm nay do dịch bệnh nên việc tiêu thụ nhãn vô cùng khó. Thị trường chính của nhãn lồng Hưng Yên là Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam,... nhưng các địa phương đều thực hiện giãn cách xã hội, quả nhãn không vận chuyển đi tiêu thụ được. Phần khác, khi doanh nghiệp cần số lượng lớn thì nhiều hợp tác xã không đáp ứng được, do chất lượng không đồng đều với nhiều loại khác nhau.
Hưng Yên loay hoay tìm chỗ đứng cho đặc sản tiến vua |
Loay hoay tìm hướng xuất khẩu
Hưng Yên hiện có 15 vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó có hai vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu); 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc; 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: TP. Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ.
HTX nhãn lồng Hồng Nam từ năm 2015 đã có 10 ha của một số hộ được cấp mã thẻ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng mới chỉ xuất duy nhất lần đầu được hơn 1 tấn quả tươi, từ đó đến nay không thêm được đợt nào nữa. Còn thị trường Trung Quốc, một số bà con bán cho các thương lái chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch, số lượng không nhiều vì trùng thời vụ; giá cũng không cao hơn so với bán trong nước.
Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa Hải Dương, cho hay, đầu vụ, công ty dự kiến mua 60 tấn nhãn xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh, nhưng sau đó chỉ mua được gần 20 tấn. Một phần do dịch bệnh, phần khác do một số yếu tố không đáp ứng về tiêu chuẩn, sản lượng không đủ...
Khi cần số lượng lớn, DN phối hợp với Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở NN-PTNT tỉnh đi xét nghiệm, nhưng nhiều mẫu ở một số vườn không đạt nên đành chịu, ông nói.
Loay hoay tìm chỗ đứng cho đặc sản tiến vua |
Ông Cảnh và đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá, nhãn Hưng Yên chất lượng ngon, nhưng không đồng đều về giống, mẫu mã, diện tích không lớn và phân tán nhỏ lẻ; công đoạn sơ chế, bảo quản còn hạn chế, thiếu hệ thống kho lạnh nên khó khăn cho các doanh nghiệp khi cần lượng hàng lớn.
Giám đốc một HTX trồng nhãn ở Hưng Yên lý giải, nhãn quả tươi rất khó xuất khẩu, bởi lượng đường cao, dễ nứt vỏ, khó bảo quản hơn các loại quả khác. Cần có công nghệ nano xử lý mã vỏ từ lúc quả non, khi thu hoạch không bị nứt rụng, không phải sơ chế. Các giống phù hợp cho xuất khẩu phải có vỏ dày, cùi giòn như T6, T2, Hương Chi...
“Để nhãn xuất khẩu được, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý, nhà vườn. Cần có sự phối kết hợp ngay từ khi nhãn ra hoa đậu quả đến khi thu hoạch, có sự đầu tư về kỹ thuật thâm canh theo nhu cầu của từng thị trường, có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cần có kho sơ chế, bảo quản sau thu hoạch để thuận tiện cho các doanh nghiệp về thu mua. Hiện nay, các yếu tố này còn hạn chế nên để xuất khẩu với số lượng lớn là khó” - ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX cây ăn quả Quyết Thắng, nhấn mạnh.
Người trồng nhãn than phiền mất mùa, thất thu thì trong báo cáo về tình hình sản xuất nhãn năm nay, công bố tại hội nghị Kết nối cung cầu xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021, diễn ra ngày 15/7, lại khẳng định, toàn tỉnh có 4.500 ha nhãn cho thu hoạch, tỷ lệ ra hoa đạt trên 98%, tỷ lệ đậu quả đạt 80-85%; sản lượng ước đạt từ 50.000-55.000 tấn, cao hơn 15-20% so với năm 2020. Ngày 19/8, UBND tỉnh Hưng Yên phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan địa phương tiêu thụ giúp bà con vùng nhãn, mỗi người mua 10 kg. Thời điểm đó, Hưng Yên vẫn còn gần 24.000 tấn (chiếm 48% sản lượng) chưa tiêu thụ. |
Chưa bao giờ buồn như năm nay: Nhãn Hưng Yên mất mùa, giá rẻ hơn rau
Vụ thu hoạch nhãn ở Hưng Yên sắp kết thúc, người trồng nhãn vẫn chưa hết ngậm ngùi vì vụ này không những mất mùa lại thêm rớt giá, khó tiêu thụ. Lượng quả tươi giảm từ 30-60%, có nơi mất đến hơn 80%, thậm chí mất trắng.
Thái Bình