Quyền lực trong thời đại kim tiền này có nguy cơ luôn “cặp kè” với sự tha hóa. Sự tha hóa phẩm cách giờ đây không còn là chuyện riêng biệt, phạm vi một cá nhân, hai cá nhân…

I-Năm 2014 vừa mở màn, còn hơn 03 tuần nữa mới sang năm Giáp Ngọ, nhưng có những sự kiện gây sự chú ý lớn và có những vụ việc “chạy” còn nhanh hơn … vó ngựa.

Sự kiện lớn đó là thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cái tiêu đề ấn tượng: “Đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân” (VNN, ngày 01/01).

Công bằng mà nói, những nội dung lớn của thông điệp: Dân chủ và nhà nước pháp quyền, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại.… không quá mới mẻ. Vì những tư duy kiểu này đã hiện diện đây đó trong quá trình trao đổi, góp ý cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhưng nó mới mẻ bởi chính thức được vị quan chức đứng đầu Chính phủ phát ngôn, tạo nên dư chấn rộng và đa chiều.

“Cú hích” của tư duy đó là thực tiễn đất nước, mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.

Trong quá khứ lịch sử, loài người đã từng chứng kiến những bài học trả giá đắng cay của một quốc gia khổng lồ, bởi sự tự tin và chủ quan ấu trĩ về sự vững bền của hình thái xã hội, coi thường sự điều chỉnh, thay đổi để thích ứng quy luật phát triển. Bài học của nhân loại không bao giờ thừa.

{keywords}

Năm 2014 vừa mở màn, còn hơn 03 tuần nữa mới sang năm Giáp Ngọ, nhưng có những sự kiện gây sự chú ý lớn và có những vụ việc “chạy” còn nhanh hơn … vó ngựa.

Còn với nước Việt, đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân, từ lâu đã là tiếng gọi khẩn thiết của đời sống đương đại, của một xã hội nhiều khát vọng hướng tới hội nhập hiện đại, nhưng những bước đi dường như vẫn bị …lúng túng, không vượt lên nổi chính mình. Bởi tư duy xơ cứng, bảo thủ,  hay bởi những nhóm lợi ích ngấm ngầm ngăn cản? Hay là tất cả?

Liệu lần này, thông điệp đó có là chiếc chìa khóa vàng mở cửa cho những giải pháp còn chen chúc đâu đó trong những “hộp đen” tri thức?

Có rất nhiều giải pháp rồi đây sẽ được đưa ra, nhưng chắc chắn sự đổi mới thể chế, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại không thể thiếu được hai yếu tố mang tính “phẩm cách” căn cốt. Đó là dân chủsự minh bạch. Cả hai phẩm cách vàng này là thước đo văn minh, là tiêu chí phân biệt xã hội lạc hậu hay tiến bộ, phát triển hay tụt hậu.

Ở cả hai tiêu chí đó, xã hội Việt đang đứng ở đâu?

Người viết chú ý bài trả lời phỏng vấn của GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật MTTQVN với báo Pháp Luật TP.HCM (ngày 06/01) mới đây dưới đầu đề: "Xóa dần e ngại trong góp ý phản biện".

Phản biện là nêu chính kiến góp ý cho một chủ trương, chính sách Nhà nước. Vậy tại sao ngay trí thức, tầng lớp tinh hoa xã hội- đối tượng được GS Lưu Văn Đạt đề cập trong bài, cũng rất e ngại, e dè sự phản biện, mà GS Lưu Văn Đạt cho rằng, đó cũng là sự lãng phí chất xám, khi họ thường chỉ phản biện ở nơi… ‘trà dư tửu hậu” với bạn bè.  

Phải chăng, nói như GS Lưu Văn Đạt, có người nghĩ phản biện là phản đối, là tiêu cực.

 

{keywords}
Bị cáo Huyền Như trong phiên tòa. Ảnh Seatimes
Xét cho cùng, tâm lý đó là hệ lụy sâu xa của một tư duy quản lý từ thời bao cấp, với cơ chế xin- cho ban phát. Ở đó, có không ít cấp quản lý chính quyền, không ít vị quan chức tự nhiên “nhất thể hóa” cá nhân mình với cơ chế tổ chức mà họ là đại diện. Nó cũng chính là sản phẩm đau khổ của một xã hội phong kiến Nho giáo chưa “thoát thai”, rút cục chân lý không phải ở thực tiễn, mà ở kẻ mạnh.

Chính vì thế, mọi ý kiến phản biện, có chính kiến khác biệt của những… “kẻ yếu” rất có nguy cơ  bị quy chụp là “phản  đối, chống đối”. Cái sự “đội mũ” cho nhau một cách thô bạo, đã dẫn đến tâm lý con người e dè, cảnh giác, và dần dà nảy sinh thái cực sống thờ ơ, vô cảm trước mọi xấu tốt, mọi thang giá trị ở đời. Những hiện tượng của người Việt bị lên án là “vô cảm”, chủ nghĩa “mackeno”, có góc khuất- nỗi sợ- liệu có phải là sản phẩm … chính hiệu của tư duy bao cấp, xin- cho ban phát này không?

 Tư duy ban phát xin- cho, quả thật mới là thứ tư duy “phản động” theo nghĩa triết học, cản trở sự phát triển của một xã hội, kéo tụt lùi cả dân tộc trước văn minh, văn hóa nhân loại. Mặt khác, lại là nơi ban phát lợi ích cho không ít vị tự cho mình có quyền sinh, quyền sát với đồng loại, trong khi thực ra, chỉ pháp luật và thần Công lý mới có cái quyền thiêng liêng đó.

Ở góc độ vĩ mô, nói như thông điệp của người đứng đầu CP, dân chủ luôn gắn bó với Nhà nước pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền đó, sải bước từ nền kinh tế tiểu nông, từ nền văn minh lúa nước, bản thân người Việt đều phải được thực tập dân chủ.

Nhưng trước hết, quản lý chính quyền các cấp phải gắng nâng tầm mình để tương thích với yêu cầu phát triển của một xã hội dân chủ. Điều đó, đòi hỏi các quan chức, quản lý chính quyền các cấp phải biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, cầu thị và biết vượt lên bản thân mình, không có sự quy chụp, trù dập, định kiến. Điều đó, cũng đòi hỏi người Việt, từ trí thức đến thường dân ý thức được ý kiến phản biện rất cần cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, vì lợi ích chung của quốc gia.

Có khó lắm không? Hẳn là rất khó.

Vì nó đòi hỏi sự thành tâm của cả hai phía, trên cơ sở một nền quản trị quốc gia khoa học, văn minh, pháp luật thượng tôn. Và vì vậy, thông điệp về dân chủ và nhà nước pháp quyền đồng thời cũng là một thách thức cho cả xã hội Việt đương đại hôm nay.

II- Nếu như dân chủ là khí trời cho sinh hoạt tinh thần người Việt thì minh bạch trong quản lý, trong nền kinh tế thị trường, cần như cơm ăn, nước uống. Mà người Việt thì từ lâu, đã bị bỏ… đói.

Cho dù gần 30 năm đổi mới, kinh tế nước Việt đã tạo ra sự phát triển vượt bậc, đổi thay diện mạo quốc gia. Riêng năm 2013, đạt mức tăng trưởng GDP 5,42% và kiềm chế lạm phát ở mức 6,04%. Dù vậy, với hơn 60.000 doanh nghiệp hiện phải đóng cửa, phá sản, tạm ngừng hoạt động, công cuộc tái cơ cấu kinh tế trì trệ, sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…, khó có thể nói kinh tế nước Việt sáng sủa, khỏe mạnh.

{keywords}
Bị cáo Dương Chí Dũng. Ảnh VietNamplus
Trong bối cảnh đó, quốc nạn tham nhũng đã làm đau yếu quốc gia, suy kiệt niềm tin, và làm tổn thương cả xã hội. Chưa lúc nào, minh bạch là phương thuốc khả dĩ mà nhiều người trông đợi như lúc này, để đổi thay “thể trạng”xã hội. Minh bạch chính là tiêu chí văn minh của mọi nền quản trị quốc gia lành mạnh.

Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (baodautu.vn, ngày 01/01): Không minh bạch, chúng ta sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

… Hoạt động tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước phải được công bố công khai, minh bạch, nợ ở đâu, lỗ ra sao, hiệu quả thế nào, để tránh lặp lại các sai lầm Vinashin, Vinalines.

Sự minh bạch sẽ là một thách thức với tài năng kinh bang tế thế giữa các DNNN với DN tư nhân, giữa các DNNN với nhau. Nó buộc các ông chủ tập đoàn, DNNN nỗ lực thể hiện năng lực điều hành, năng lực kinh doanh, chứ không thể dựa vào sự ưu tiên chiều chuộng kiểu “con đẻ, con trưởng, cậu ấm”. Không thể nhập nhằng mãi chức năng kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích, lãi các DN hưởng, lỗ người dân chịu.

Sự minh bạch là liều độc dược mạnh với các tế bào tham nhũng luôn ẩn nấp trong cơ thể các DNNN, các nhóm lợi ích sống “ký sinh” theo cơ chế xin- cho.

Sự minh bạch tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, cả tư nhân lẫn FDI tham gia bình đẳng vào một sân chơi đầu tư. Ở đó, chỉ có tài năng kinh doanh ngự trị, tuân thủ quy luật cung- cầu của kinh tế thị trường đúng nghĩa, cũng tức là trả lại các thang bậc giá trị đúng chỗ, không thể đảo lộn trắng đen, đúng sai, tốt xấu.

Sự minh bạch hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát lãng phí, và tạo niềm tin nơi người dân vốn cũng đã… xuống đến mức thấp nhất.

Dân chủ, minh bạch với nền quản trị quốc gia văn minh, khoa học, là mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ, nhưng không phải mối quan hệ của “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Ở mối quan hệ này, nhận thức và hành động của các cấp quản lý phải đi trước, quyết liệt, mang ý nghĩa quyết định, vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là lớn nhất. Nhưng liệu minh bạch sẽ có sớm… minh bạch không?

Chỉ khi đó, thông điệp của người đứng đầu CP mới có ý nghĩa là hành động, là nói vậy và làm vậy!

III- Còn những vụ việc chạy nhanh hơn … vó ngựa, là thông tin của vụ án xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho anh ruột mình- Dương Chí Dũng, nhân vật chính của vụ án Vinalines trốn ra nước ngoài. Một vụ án gây “sốt” trong xã hội và đầy kịch tính bởi tính chất nghiêm trọng, những nút thắt “cao trào” như sân khấu bi kịch vốn thường thấy. Mà đoạn kết của nó chắc chắn còn đầy kịch tính hơn, vẫn chưa diễn ra.

Cả nhân vật chính vụ án- Dương Tự Trọng, và nhân chứng (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là Dương Chí Dũng- nhân vật chính của vụ án Vinalines vừa xử trước đó, là anh em ruột. Họ đều là những người thành đạt, sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình được coi là có quyền có tiền có thế lực của đất Hải Phòng. Và nay, ra trước tòa, cùng là… bị cáo của hai phiên tòa. Cái sự giống nhiều khi là hạnh phúc, nhưng có khi là bi kịch.

Kết cục cay đắng của hai anh em- người vì chữ lụy tiền, người vì chữ lụy tình, vừa là “sản phẩm” tham- sân- si của thời kim tiền, vừa là nước mắt của tình ruột thịt, mà quên mất chữ lý (pháp luật, đạo lý công dân). Cũng vì thế mà với bị cáo Dương Tự Trọng, lý thì đáng giận, tình thì đáng thương.

Để rồi, từ một sĩ quan giỏi giang, nổi tiếng, con đường danh vọng mở ra nhiều hứa hẹn, bỗng chốc Dương Tự Trọng trở thành tội phạm. Cái khoảng cách giữa một quan chức với một tội phạm thời nay, hóa ra quá đỗi mong manh, như… không hề có ranh giới.

Hay khi hành động như vậy, bản thân cả Dương Chí Dũng- kẻ bỏ trốn- và Dương Tự Trọng- kẻ tiếp tay cho anh ruột mình, đều có sự tự tin ở sức mạnh của họ, sức mạnh của những mối quan hệ, sự lọc lõi, mà đồng tiền tưởng là “dây tơ hồng”, hóa ra vẫn luôn phản trắc và cũng đầy bội bạc.

Và cũng vì cái tình “đồng đội”, tình “anh em” trong giới… giang hồ của Dương Tự Trọng, mà rút cục ông ta còn kéo theo một lô một lốc những đồng đội, những “chiến hữu” của ông ta theo nhau phạm tội, theo nhau ra trước vành móng ngựa. Họ có ân hận hay không? Không biết. Có điều vụ án cho thấy những góc khuất u tối của tâm hồn con người Dương Tự Trọng khi che giấu tội phạm, góc khuất u tối của nhiều kẻ cùng hội cùng thuyền nhân danh tình nghĩa, nhân danh nghĩa hiệp. Dù họ đa phần là cán bộ một ngành là công cụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội.

Nhưng nút thắt chặt nhất, cao trào nhất của vụ án đầy kịch tính này không ở nhân vật chính- Dương Tự Trọng- mà lại ở nhân chứng- Dương Chí Dũng khi ông này chính thức công khai công bố tên của người đã “mật báo” cho ông ta bỏ trốn trong vụ án Vinalines, dẫn đến tội lỗi của em trai ông ta. Khi Dương Chí Dũng công bố tuốt tuột chuyện mật báo, chuyện tiền nong…Cùng với một phát ngôn ấn tượng: Tôi là bị cáo trong một vụ án khác và phải chịu mức án cao nhất nên tôi chẳng có gì phải giấu giếm và sẽ khai thật.

Khỏi phải nói về những bàn luận nóng ran xã hội.

Cái tiếng “kêu” bi thương của kẻ bị án tử, rút cục đã đưa ra trước xã hội rất có thể là một vụ án “tử” kiểu khác, trong con mắt nhân dân. Khi mà trước cả 03 vụ việc, đại diện VKS sẽ có kiến nghị để HĐXX xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cũng ngay tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự”.

Vấn đề còn lại, thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng.

Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi: Nếu như Dương Chí Dũng,  bịa đặt chuyện “mật báo”, chuyện “chạy tiền” hàng trăm nghìn USD, ông ta phải chịu xử lý trước pháp luật, bởi tội vu khống. Còn nếu lời khai của Dương Chí Dũng là sự thật, thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền, phải làm sáng tỏ vụ việc này và xử lý nghiêm minh.

Vụ án Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng chưa khép lại, nhưng ngành tư pháp đã có thể tiếp tục khởi tố một vụ án hình sự khác, nói điều gì?

Rằng quyền lực trong thời đại kim tiền này, có nguy cơ luôn “cặp kè” với sự tha hóa. Sự tha hóa phẩm cách giờ đây không còn là chuyện riêng biệt, phạm vi một cá nhân, hai cá nhân…

Khi người ta nhớ tới vụ anh hùng ‘khai man” Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế mới đây, người đã khai gian tới 15 thành tích của đồng đội thành của mình (trong số 17 thành tích được kê khai), một kiểu “tham nhũng thành tích”, để giành thêm về mình chút danh vọng tinh thần bằng xương máu đồng đội. Có gì tồi tệ hơn thế?

Và chẳng đâu xa lạ, những vụ án Công ty cho thuê Tài chính II chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng, vụ án “siêu lừa” Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4000 tỷ đồng đang bị xét xử những ngày này, cho thấy công thức “quyền +tiền+ tha hóa” là công thức khá thời thượng cho những kẻ tham nhũng.

Chính điều đó, mà thông điệp năm mới 2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc cải cách thể chế, về dân chủ gắn với nhà nước pháp quyền, xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại đang trở thành vấn đề sinh tử, quyết định vận mệnh của một quốc gia phát triển hay tụt hậu trước nhân loại văn minh.

Câu trả lời thuộc thì… tương lai.

Kỳ Duyên