Kính thưa Chủ trì kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy rằng cơ quan soạn thảo đã rất trách nhiệm, cầu thị trong quá trình chuẩn bị dự thảo luật trình Quốc hội. Dự thảo đã cập nhật một số vấn đề yêu cầu theo nghị quyết và chủ trương của Đảng, đáp ứng một phần yêu cầu của thực tiễn. Tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến của Ủy ban chủ trì, thẩm tra.

Sau đây, tôi xin góp ý về một số nội dung cụ thể như sau:

Một về thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề, tôi cho rằng cần phân định rõ hai vấn đề.

Thứ nhất là việc đánh giá năng lực chuyên môn.

Thứ hai là công tác quản lý hoạt động hành nghề của người hành nghề khám, chữa bệnh.

ĐBQH Cao Mạnh Linh

Do đó, như ý kiến một số đại biểu, tôi tán thành với phương án 2 của dự thảo giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan quản lý nhà nước thì căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề cũng như các điều kiện theo quy định để cấp phép hành nghề. Phương án này phù hợp với vai trò hiện nay của Hội đồng Y khoa quốc gia, là tổ chức có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề. Xây dựng và thử nghiệm bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề theo Quyết định số 956 ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cấp giấy phép hành nghề theo tôi là phù hợp với vai trò quản lý nhà nước của mình đồng bộ với hoạt động thanh tra, kiểm tra, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Hội đồng hiện nay chỉ có hơn 30 người gồm có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và một số Phó Chủ tịch. Các thành viên Ủy viên Hội đồng có từ 27 đến 29 thành viên, nhưng chỉ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên gồm đại diện Tổng hội Y học Việt Nam, một số hội nghề nghiệp chuyên khoa, chuyên ngành, một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số đơn vị đặc thù y tế như đại biểu Mai Hoa đã nêu.

Do đó, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo nên nghiên cứu bổ sung quy định để huy động sự tham gia sâu hơn của các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo chuyên môn ngành y. Phát huy vai trò của các hội và cơ sở đào tạo chuyên sâu trong việc phối hợp, hỗ trợ Hội đồng Y khoa quốc gia, xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tham gia đánh giá năng lực hành nghề. Qua đó vừa tránh phát sinh thêm bộ máy và phù hợp với chủ trương xã hội hóa của ta hiện nay. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội lưu ý cơ quan soạn thảo khi cho ý kiến về dự thảo luật này.

Ngoài ra tôi đề nghị cần quy định rõ vai trò của Bộ Y tế trong việc phối hợp tổ chức các đợt đánh giá như bảo đảm điều kiện về nhân lực, về địa điểm, về kinh phí. Đồng thời Bộ Y tế cũng là cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động, tổ chức đánh giá năng lực nghề của Hội đồng Y khoa, bảo đảm khách quan tránh vi phạm, trục lợi trong hoạt động đánh giá năng lực.

Hai, về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tôi tán thành với phương án 1, yêu cầu người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo. Quy định này bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, hạn chế xảy ra những sự cố y khoa đáng tiếc do bất đồng ngôn ngữ, vì không cứ bác sĩ nước ngoài là đương nhiên chuyên môn cao, kỹ thuật giỏi. Tuy nhiên, để bảo đảm vẫn thu được những bác sĩ giỏi ở các nước có trình độ y khoa tiên tiến trên thế giới thì ngoài trường hợp vào Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, đào tạo thực hành về khám bệnh, chữa bệnh và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh, như quy định tại khoản 2 Điều 24 dự thảo luật, tôi đề nghị bổ sung thêm 1 trường hợp đó là các trường hợp là chuyên gia, bác sĩ có trình độ kỹ thuật cao hoặc có kỹ thuật mới, phương pháp mới hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh thì vẫn được xem xét cho hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam dù chưa biết tiếng Việt. Tuy nhiên, cần giao Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, cập nhật danh mục chuyên ngành kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, phương pháp mới trong y khoa hàng năm. Qua đó, có cơ chế để thu hút chuyên gia, bác sĩ nước ngoài, bảo đảm minh bạch, tránh phát sinh thủ tục hành chính. Số còn lại là những trường hợp hành nghề ở những lĩnh vực không đòi hỏi kỹ thuật cao, chuyên môn giỏi thì phải biết tiếng Việt. Theo tôi, quy định này sẽ tạo điều kiện để các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân có thể mời các chuyên gia giỏi trên thế giới về làm việc tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ba, về giám sát đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian qua thực tiễn vẫn còn xảy ra những trường hợp các cơ sở y tế, người hành nghề khám, chữa bệnh vi phạm quy định trong hoạt động khám, chữa bệnh như lạm dụng các chỉ định không phù hợp, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc, hành nghề theo kiểu “vẽ bệnh”, khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn như đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng có nêu, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh. Vì vậy, cần thiết dự thảo luật phải xây dựng được một cơ chế đồng bộ để bảo đảm giám sát, đánh giá có hiệu quả về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế và của người hành nghề khám, chữa bệnh. Theo tôi, cơ chế đó phải đảm bảo phát huy vai trò giám sát, đánh giá toàn diện từ nhiều phía.

Thứ nhất là từ phía người bệnh và gia đình.

Thứ hai là từ hoạt động kiểm soát, đánh giá trong nội bộ của cơ sở y tế.

Thứ ba là từ cơ chế giám sát, đánh giá ở bên ngoài của các chủ thể như Bộ Y tế, Sở Y tế, Hội đồng Y khoa Quốc gia, các hội chuyên môn nghề nghiệp và tổ chức đánh giá độc lập.

Qua nghiên cứu dự thảo, cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định ở nhiều điều, khoản tại các chương khác nhau của dự thảo. Ví dụ như quyền của người bệnh được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám, chữa bệnh, việc đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề của người hành nghề, đình chỉ và thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh, chứng nhận, công nhận chất lượng đối với cơ sở khám, chữa bệnh, về hội đồng chuyên môn, v.v.. Tôi thấy rằng các quy định này mới tập trung quy định về quyền và nghĩa vụ về cơ chế xử lý khi có sai sót y khoa mà chưa rõ về cơ chế, thủ tục giám sát, kiểm tra thường xuyên. Do đó, để bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá được đầy đủ, toàn diện hơn, đề nghị cần lưu ý bổ sung quy định để bảo đảm yêu cầu sau:

Thứ nhất là quyền của người bệnh trong việc phản ánh những bất cập, hạn chế trong hoạt động khám, chữa bệnh, nơi tiếp nhận phản ánh và cơ chế xử lý.

Hai, trách nhiệm của cơ sở y tế trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ và trách nhiệm giải quyết phản ánh của người bệnh.

Ba, về mối quan hệ giữa Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa quốc gia, các hội chuyên môn và tổ chức đánh giá độc lập trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, việc sử dụng kết quả đánh giá của các bên và cơ chế xem xét lại kết quả đánh giá.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.